Mỗi năm, dân số Việt Nam tăng thêm một tỉnh
Dân số Việt Nam vẫn đang tăng nhanh, bình quân trên 1 triệu người mỗi năm, nghĩa là bằng dân số một tỉnh thuộc loại trung bình. Thông tin trên được TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện nghiên cứu dân số và các vấn đề xã hội đưa ra tại cuộc giao ban báo chí sáng qua, 17/10.
Theo Tổng cục thống kê, năm 2005 Việt Nam có khoảng 83,1199 triệu người, là nước đông dân thứ 13 trên thế giới. Mật độ dân số lên tới 252 người/km2 (trong khi đó các chuyên gia LHQ tính toán để có cuộc sống thuận lợi, bình quân chỉ nên có 30-40 người/km2).
Ông Cử khẳng định Việt Nam là quốc gia có có quy mô dân số rất lớn, mặc dù vậy dân số vẫn đang tăng nhanh, bình quân vẫn ở mức trên 1 triệu người/năm, nghĩa là bằng dân số một tỉnh thuộc loại trung bình.
TS Cử nêu ra 10 đặc điểm của dân số Việt Nam, trong đó lưu ý vấn đề dân số trẻ nhưng đang bước vào thời kỳ quá độ chuyển đổi sang dân số già. Những người sinh ra sau năm 1975 ước chiếm khoảng 63% tổng dân số, tuy nhiên số người từ 60 tuổi trở lên hiện đã chiếm khoảng 9%. Sự mất cân đối giới tính đã bộc lộ những dấu hiệu rất nghiêm trọng do tâm lý thích sinh con trai.
Theo kết quả điều tra năm 1999, tỷ số giới tính chung cả nước ở mức 96,7 nam/100 nữ nhưng đối với nhóm trẻ từ 0-4 tuổi, tỷ lệ các bé trai ngày càng nhiều so với các bé gái.
Vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ giới tính trẻ em cao nhất nước (116/100). Một số tỉnh tỷ lệ này cao bất thường như An Giang (128); Kiên Giang (125); Kon Tum, Sóc Trăng, Trà Vinh (124)… Thực trạng này nếu không được điều chỉnh sẽ dẫn tới mất cân bằng dân số.
Dân số phân bố không đều và mô hình di dân thay đổi. Năm 1999 trung bình trên mỗi km2 đất ở Thái Bình có 1.194 người, trong khi đó ở Kom Tum chỉ có 32 người/km2 (gấp 40 lần).
Sức ép từ nhu cầu việc làm đã dẫn đến tình trạng các luồng di dân tự do và theo dự án không ngừng tăng lên. Riêng giai đoạn 1990-1997 đã có 1,2 triệu dân di chuyển tới các vùng theo dự án.
Tại TPHCM trong giai đoạn 1991-1996 cứ mỗi năm lại tăng thêm 213.000 người. Hướng di dân cũng thay đổi đáng kể, từ di dân Bắc-Nam sang nông thôn-đô thị và trong nước ra nước ngoài. Chỉ tính đến đầu 2004, đã có tới gần 80.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan. Ông Cử dự báo xu hướng di dân sẽ ngày càng sôi động hơn.
Theo TS Cử, về đại thể, Việt Nam vẫn là một nước “tam nông” (nông thôn, nông nghiệp và nông dân) do tỷ lệ dân số đô thị quá thấp. Năm 2004, tỷ lệ dân đô thị cả nước mới đạt 26,3%. Nhiều tỉnh, tỷ lệ dân đô thị chưa đạt tới 10%.
Tỷ lệ dân đô thị ở các nước phát triển khoảng 80%, thậm chí như Singapore lên tới 100%. Chất lượng dân số cũng còn nhiều vấn đề: Chiều cao, cân nặng của thanh thiếu niên Việt Nam vẫn thua kém đáng kể so với các nước quanh khu vực.
Lao động Việt Nam có 4,5% mù chữ, 47% chỉ có trình độ tiểu học, 30% tốt nghiệp THCS và 18,5% tốt nghiệp THPT, 79% lao động từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, khu vực nông thôn lên tới 87% (số liệu 2003).
TS Cử cũng cảnh báo sức khỏe sinh sản bị tổn thương và đang đứng trước những nguy cơ gay gắt. Nhờ vận động KHHGĐ tốt nên tỷ lệ sinh giảm xuống nhưng lại “bùng nổ nạo phá thai”. Hàng năm số ca nạo phá thai bằng số ca sinh.
Việt Nam bị xếp vào nhóm nước có mức nạo phá thai cao nhất thế giới. Đặc biệt trong số này, vị thành niên và thanh niên chiếm khoảng 300.000 ca.
Quy mô gia đình Việt ngày càng nhỏ hơn nhưng cũng phức tạp và dễ “vỡ” hơn. Năm 2002 có tới 56.478 vụ ly hôn, cao gấp 10 lần so với giai đoạn 1977-1982.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ gấp 4 lần nhưng số vụ ly hôn tăng gấp 10 lần. Tại TP HCM năm 1998 cứ 8 người kết hôn thì có một lấy người nước ngoài; cứ 5 người kết hôn lại có hơn một người ly hôn; cứ 5 đứa trẻ sinh ra thì một là con ngoài giá thú.
Theo L.T
Tiền Phong