1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Mọi học sinh đều gọi tôi là mẹ”

(Dân trí) - “Suốt 31 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi luôn nhận được sự tin yêu của người dân. Họ cùng tôi tới bản mở trường dựng lớp, họ cùng tôi bắc cầu qua suối cho con em đi học… Mỗi khi tôi tới lớp, mọi học sinh đều gọi tôi bằng mẹ”.

Cô giáo Hoàng Thị Hựu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Châu, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ trân trọng và xúc động khi kể về tình cảm thân thương từ những phụ huynh và học sinh đã dành cho mình.

 

Liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh từ khi bắt đầu nghề giáo (năm 1981), là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh suốt những năm học 2000 đến 2009, trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng 11 học sinh giỏi quốc gia và trên 400 học sinh giỏi cấp thị xã và cấp tỉnh..., cô giáo Hoàng Thị Hựu đã giành được nhiều danh hiệu, bằng khen của tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương trao tặng.

 

Cô Hựu sinh ra và lớn lên tại một xã nghèo huyện miền núi Cẩm Khê với ước mơ trở thành cô giáo của làng quê nghèo ấy. Khi ước mơ trở thành hiện thực, cô luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Coi nghề giáo không chỉ là nghề dạy học đơn thuần, cô Hựu xác định giáo dục tiểu học, đặc biệt là đối với học sinh lớp 1 có ý nghĩa như đặt viên gạch cho nền móng cho sự nghiệp sau này của mỗi học sinh. Nếu các em học sinh lớp 1 đã chán học, liệu khi các em bước vào mái trường THCS, THPT sẽ thế nào?

 

Thời gian giảng dạy ở Thanh Sơn, Cẩm Khê cô không chỉ vận động học sinh vùng cao, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ra lớp mà đã vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Cô đã chịu khó mày mò làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ từ những nguyên liệu rẻ tiền để hỗ trợ cho việc giảng dạy đạt kết quả tốt.

 

Cô thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục thông qua các hình thức tạo sân chơi cho trẻ như: Thi kể chuyện lịch sử, thi tìm hiểu về quê hương đất nước, dạ hội văn học, toán học, thi thần đồng đất Việt... tạo cho trẻ niềm hứng thú thật sự tích cực giúp đỡ nhau cùng vươn lên học tập. Vì vậy, chất lượng giáo dục của lớp cô chủ nhiệm hàng năm thường dẫn đầu nhà trường và đứng đầu huyện.

 

Năm 2002, khi được phân công làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Phong Châu, cô Hựu đã lãnh đạo trường từ một đơn vị đứng tốp cuối của thị xã Phú Thọ (năm học 2001-2002) trở thành tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc, đơn vị lá cờ đầu bậc tiểu học năm 2008, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu “Cơ quan văn hoá xuất sắc”.

 

Nhớ lại thời điểm khi mới về trường, cô Hựu bùi ngùi: Đó là ngôi trường nằm giữa thị xã nhưng khó khăn về mọi mặt. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trường có 16 lớp học nhưng chỉ có 12 phòng học, một số lớp phải học hai ca, phòng chức năng chưa đầy đủ phải ghép với lớp học, công trình phụ của học sinh làm theo kiểu cũ không đảm bảo vệ sinh, trình độ đội ngũ giáo viên không đáp ứng với việc đổi mới chương trình giáo dục...

 

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, cô đã từng bước làm xoay chuyển nhà trường theo hướng tích cực như mở hội nghị thăm dò ý kiến của tập thể giáo viên, phụ huynh trong toàn trường, thông qua đó thấy được những điểm mạnh của mỗi cá nhân để nhân lên thành sức mạnh tập thể. Đồng thời làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương, thực hiện xã hội hoá giáo dục để từng bước xây dựng thêm các nhà lớp học, các phòng chức năng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 1.

 

Để khắc phục chất lượng giáo viên còn hạn chế, cô Hựu đã thành lập đội giáo viên cốt cán do chính cô làm tổ trưởng để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong chuyên môn và tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở các đơn vị bạn; tổ chức các lớp tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học. Kết quả, số lượng giáo viên dạy giỏi của trường hiện đứng tốp đầu thị xã, nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 1 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Không chỉ có vậy, cô Hựu là giáo viên luôn đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học. Năm học 2007-2008, cô đã có 2 sáng kiến kinh nghiệm dự thi toàn quốc đạt giải xuất sắc và được Ban điều hành Dự án Giáo dục trẻ khó khăn (PEDC) trao giải thưởng cho trẻ thiệt thòi của trường là 278 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí giúp đỡ trực tiếp cho 64 học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường.

 

Ông Đặng Văn Hương, Trưởng phòng Giáo dục thị xã Phú Thọ nhận xét: “Cô Hựu đã dành toàn bộ tình yêu, tâm sức và tài năng của mình vào sự nghiệp giáo dục địa phương để mang đến cho trẻ một nguyên lý giáo dục tưởng dễ mà không hề dễ: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Và thực tế chứng minh cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù ở bất cứ cương vị nào hay ngôi trường nào”.

 

Với những thành tích đã đạt được trong công tác giảng dạy và lãnh đạo, cô giáo Hoàng Thị Hựu đã được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Phú Thọ đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú” năm 2010.

 

Hương Thu

TTXVN