Mỗi chiếc máy bay Boeing đều có vật tư mang xuất xứ Việt Nam
(Dân trí) - Theo Giám đốc Boeing Việt Nam, mỗi chiếc máy bay Boeing được sản xuất đều có thành phần vật tư xuất xứ từ Việt Nam, ví dụ như một số thành phần của cánh hay cửa máy bay...
Ngày 25/8, Diễn đàn Hàng không vũ trụ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Diễn đàn có sự tham dự của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Marc E. Knapper, lãnh đạo các Bộ, ngành, các hãng hàng không và hơn 50 nhà cung cấp, nhà sản xuất tiềm năng ở Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, Việt Nam có vị trí chiến lược trong phát triển ngành hàng không vũ trụ khu vực và quốc tế; nằm ở trung tâm kinh tế, kết nối giao thương của khu vực và toàn cầu với TP Hà Nội và TPHCM cách 17 quốc gia khác chỉ 4-5 giờ bay.
"Trong thập kỷ trở lại đây, ngành hàng không vũ trụ Việt Nam đã có sự tăng trưởng, phát triển vượt trội so với các quốc gia trong khu vực. Năm 2020, công nghệ hàng không vũ trụ đã được đưa vào danh mục các ngành công nghiệp công nghệ cao được Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang từng bước nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm phục vụ công nghiệp hàng không" - ông Hoàng cho hay.
Để phát triển ngành hàng không vũ trụ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đề nghị các đối tác Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ kỹ thuật ngành hàng không như: sản xuất linh kiện, bảo dưỡng tàu bay, công nghiệp sản xuất vệ tinh, công nghệ sóng viễn thông; nghiên cứu phát triển Trung tâm đào tạo phi công, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng như thiết lập cơ sở sản xuất máy bay tại Việt Nam...
Tại diễn đàn, ông Michael Nguyễn - Giám đốc Boeing Việt Nam - nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác đào tạo và phát triển con người. Theo ông, đào tạo con người là các phi công, các kỹ sư, các cấp quản lý của các bộ phận trong ngành hàng không, các chuyên viên và các cán bộ nòng cốt cho việc sửa chữa máy bay.
"Boeing đề cao mối quan hệ hợp tác với các trường đại học Việt Nam, tại diễn đàn lần này có sự góp mặt của hơn 12 trường đại học và chúng tôi ưu tiên làm việc với các trường có tiềm năng về công nghệ" - ông Michael Nguyễn nói.
Đề cập tới việc hợp tác với các nhà cung cấp Việt Nam để phát triển sản phẩm, linh phụ kiện cho máy bay, ông Michael Nguyễn thông tin hiện tại Boeing có 7 nhà cung cấp ở Việt Nam, hơn 50 đối tác và nhà cung cấp ở Việt Nam bày tỏ muốn hợp tác khi tham dự Diễn đàn Hàng không vũ trụ.
"Một chiếc máy bay Boeing B747 có khoảng 6 triệu vật dụng vật tư, trong đó 50% là các vật tư nhỏ. Trong quá khứ và cả tương lai, mỗi chiếc máy bay Boeing được sản xuất đều có thành phần vật tư xuất xứ từ Việt Nam, ví dụ như một số thành phần của cánh hay cửa ra vào máy bay được làm từ Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng, nhân viên và chuyên gia cần cù, năng lực cao, nếu có môi trường phù hợp và nhận được sự quan tâm của các tập đoàn hàng đầu thế giới thì sẽ mở mang rất tốt" - ông Michael Nguyễn cho hay và nói Boeing muốn theo gương của Samsung, Intel để gia nhập thị trường Việt Nam; muốn được làm việc với các công ty Việt Nam.
Được biết, Boeing là một trong những đối tác quan trọng của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), đang tìm những cơ hội lớn trong hợp tác với Việt Nam về phát triển hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, hiện nay Airbus đang là đơn vị tư vấn, hỗ trợ Việt Nam phát triển vệ tinh Vinasat, vì vậy việc "đi sau" nhưng đặt mục tiêu đón đầu của nhà chế tạo máy bay Mỹ được cho là có nhiều thách thức.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Đông Nam Á là một trong những khu vực ngành hàng không phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới hiện nay và Việt Nam là nước đang dẫn đầu. Dự báo, trong 30 năm tới, thị trường hàng không Đông Nam Á có thể cần bổ sung hơn 4.000 máy bay mới và Việt Nam sẽ là một trong những nước dẫn đầu trong việc đáp ứng nhu cầu này.