Mới chê “cái mặt kênh kiệu” đã bị phạt 5 triệu thì ai dám đóng góp nữa?
(Dân trí) - Liên quan đến sự việc tỉnh An Giang phạt tiền 5 triệu đồng đối với hai cán bộ chê Chủ tịch tỉnh này trên Facebook, đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm nói: “Nếu họ chỉ nói mình kênh kiệu mà xử lý thế thì nay mai ai người ta đóng góp cho mình nữa”.
Là người thường xuyên sử dụng Facebook, đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, chỉ bình luận “nhìn cái mặt kênh kiệu” thì chưa có gì ghê gớm.
“Người dân hay cử tri có quyền đánh giá ông chủ tịch đó như thế nào. Nếu người ta xúc phạm nặng nề thì khác, còn chuyện cảm xúc thì người ta có quyền”- ông Tâm nêu quan điểm.
Theo ông Tâm, có nhiều hình thức xúc phạm nhau trên Facebook, nhưng một lời bình luận như trên thì không thể coi là xúc phạm.
“Tôi nghĩ không đáng, không hợp lý để bị phạt 5 triệu đồng. Phạt 5 triệu đồng thì người ta đóng 5 triệu, nhưng người ta không hài lòng. Người ta đánh giá bằng cảm xúc của họ, phạt 5 triệu là quá đáng”- đại biểu Trần Khắc Tâm thẳng thắn.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng trong sự việc này, lãnh đạo An Giang nên lắng nghe, xem lại mình xem có đúng như dân bình luận không để có sự thay đổi.
“Phải làm sao thu hút được người dân đóng góp, người dân gần gũi với mình để mình hoàn thiện hơn. Nếu họ chỉ nói mình kênh kiệu mà xử lý thế thì nay mai ai người ta đóng góp cho mình? Còn nếu khen kiểu của những người xu nịnh thì sao? Được khen mà làm không được việc thì hỏng rất nhiều công việc chung. Ví như bây giờ cô giáo kia quay ngược lại khen ông chủ tịch tỉnh thì ông chủ tịch có thưởng không ?”- ông Tâm nói.
Không hài lòng có thể khiếu nại, kiện ra tòa
Về vụ việc này, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội TPHCM) cho rằng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì phải xem lại cơ sở, căn cứ có phù hợp.
“Nếu sự việc chỉ đáng nhắc nhở mà xử phạt tiền lên tới 5 triệu đồng thì cái đó tùy thuộc vào lãnh đạo giải quyết vụ việc. Trường hợp đã xử lý với nhau bằng luật pháp rồi thì người bị xử lý nếu thấy oan ức, quyết tâm đấu tranh thì có thể sử dụng công cụ khiếu nại theo Luật Khiếu nại tố cáo và sau đó nếu thấy việc giải quyết không thỏa đáng thì có thể khởi kiện ra tòa”- ông Nghĩa nói.
Trả lời thắc mắc về việc xử phạt này dễ trở thành tiền lệ xấu khi người dân muốn góp ý, nhận xét về lãnh đạo địa phương, ông Trương Trọng Nghĩa nói: “Từ sự việc này chúng ta cũng cần suy nghĩ về việc xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau trên mạng xã hội, Facebook bởi theo Hiến pháp thì việc bảo vệ bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm rất quan trọng. Các luật tố tụng dân sự, hình sự cũng quan tâm tới việc đó. Chúng ta phải tiến tới một quan hệ xã hội không tùy tiện sử dụng mạng xã hội, Facebook để thỏa mãn tình cảm nhất định của mình”.
Luật sư Nghĩa lấy ví dụ: “Tôi có thể tức ông đó, nhưng loan truyền thông tin trên mạng xã hội về ông ấy với những thông tin không đúng là rất có hại cho người đó. Mỗi lần bực bội mà tung hết lên cho tất cả mọi người xem thì phải xem lại. Chúng ta thử đặt mình vào vị trí người trong cuộc đi, nếu chúng ta bị bêu riếu lên thì có vui không? Có những điều loan truyền không đúng gây ảnh hưởng thì dù sau này xin lỗi cũng không cứu vãn được”.
Ông Nghĩa cho rằng người dùng mạng xã hội sẽ phải xây dựng quan hệ trách nhiệm, có sự chan hòa, nhân văn hơn.
Thế Kha