“Mổ xẻ” những câu hỏi “khó” về dạy nghề
(Dân trí) - Bộ nào sẽ quản lý lĩnh vực dạy nghề? Phải xây dựng qui chế liên thông ra sao để đảm bảo quyền lợi và thu hút lao động học nghề? Làm thế nào để đến năm 2010, Việt Nam có 40% lao động đã qua đào tạo nghề? Những câu hỏi “khó” này được các đại biểu “mổ xẻ” trong phiên thảo luận tại Quốc hội về Dự án Luật Dạy nghề.
Tính thống nhất không đồng nghĩa với một bộ quản lý
Vấn đề quản lý Nhà nước về dạy nghề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đề cập đến việc quản lý hệ thống các trường dạy nghề. Đại biểu Hà Thị Hoa - Tỉnh Thái Bình cho rằng, đã 8 năm nay sự chia cắt trong quản lý Nhà nước về đào tạo nghề và trung học chuyên nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hệ thống giáo dục và phân luồng giáo dục bị ách tắc, nguyên nhân là do hai Bộ quản lý.
“Nếu như Chính phủ giải trình được và giải quyết được cái mâu thuẫn trong 8 năm qua, đưa dạy nghề về Bộ Giáo dục và Đào tạo và được thể hiện ở trong Luật thì sẽ giải quyết được vấn đề và hệ thống giáo dục của chúng ta không bị cắt khúc. Sẽ có một Bộ vừa tuyển sinh vừa xây dựng chương trình và cấp bằng tốt nghiệp, rõ ràng như vậy thì sẽ chất lượng hơn”.
Không đồng tình với quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân phân tích: “Lý do này không chuẩn. Nhiều Bộ quản lý không có nghĩa là hệ thống giáo dục quốc gia không thống nhất. Tính thống nhất của hệ thống giáo dục quốc gia không đồng nghĩa với một Bộ duy nhất quản lý. Vấn đề là làm sao giữa các văn bản luật phải thể hiện được tính hệ thống”.
Chỉ ra lý do là sự bất cập trong việc phối hợp giữa các bộ, đại biểu Trân thẳng thắn: “Thực ra cắt khúc không phải là luật ra cắt khúc mà cắt khúc là cách làm việc của chúng ta thiếu phối hợp với nhau, nảy sinh ra sự cắt khúc”.
“Vấn đề này phải có một Bộ lo về vấn đề lao động, nắm chuyện này thì đầu vào nó mới sát. Mà đối tượng dạy nghề rất gắn với Bộ Lao động thương binh và Xã hội. Vì vậy, nên để Bộ Bộ Lao động thương binh và Xã hội quản lý”, đại biểu Trân nêu quan điểm.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc lại nhìn vấn đề ở khía cạnh khác, ông đặt câu hỏi: “Tại sao con em chúng ta học xong lớp 12 rồi mà vẫn ngơ ngác trước cuộc đời nếu không trúng đại học?”, và ông tự lý giải: “Vì hướng nghiệp của chúng ta rất chậm, rất thấp và vì chúng ta không kết hợp giáo dục với đào tạo nghề.”.
Cuối cùng, ông Lộc kết luận: “Tôi cho rằng một trong những cái khuyết điểm của giáo dục của chúng ta hiện nay là không sớm hướng nghiệp cho học sinh và vì việc dạy nghề lại không được đặt trong Bộ Giáo dục”.
Liên thông để giảm tải vào đại học
Đại biểu Bùi Sĩ Tiếu (Thái Bình) cho rằng, luật dạy nghề cần phải tạo thuận lợi cho việc xây dựng chương trình liên thông, xây dựng tín chỉ từ Trung học phổ thông tới Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Như vậy sẽ giảm tải được sức ép thi vào đại học quá lớn như hiện nay, tạo ra cách học cần gì học nấy để mọi người đều có cơ hội học tập.
GS,TS Nguyễn Minh Thuyết đoàn Lạng Sơn cũng nêu quan điểm: “Cần quy định rõ là liên thông như thế nào để các em học nghề sau đó có thể chuyển sang hệ thống đại học. Không nên chỉ bó hẹp trong lĩnh vực dạy nghề mà nên mở rộng để thanh niên thấy con đường tiến. Nếu cứ Bộ nào bó hẹp trong phạm vi Bộ ấy sẽ không thành luật chung của đất nước”.
Bà Néang Kim Cheng, đại biểu tỉnh An Giang, lại cho rằng không nhất thiết phải xây dựng dạy nghề thành một đạo luật riêng. “Có thể đó là chương, là điều khoản của Luật Ggiáo dục. Vì dạy nghề là một bộ phận của quá trình giáo dục đào tạo, trong giáo dục đào tạo thì có dạy nghề. Như vậy nên chăng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành dưới dạng Pháp lệnh”, bà Néang Kim Cheng đề xuất.
Minh Khôi