1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Mở rộng không gian Hà Nội

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quy mô diện tích Hà Nội hiện nay (920km2) là quá nhỏ so với yêu cầu phát triển của Thủ đô cũng như một trung tâm kinh tế, văn hoá miền Bắc. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với Hà Nội và các tỉnh lân cận xây dựng quy hoạch mở rộng thành phố.

Cụ thể, kéo dài một số con đường từ Hà Nội về Hà Tây. Xây dựng trục phát triển với tỉnh Vĩnh Phúc với hai trục chạy từ Việt Trì đến đường Bắc Thăng Long Nội Bài và trục kéo dài từ Hương Canh đến thị xã Sơn Tây.

 

Hoàn thiện các con đường đã được Chính phủ thông qua (quốc lộ 70, 21, đường đê sông Hồng, vành đai 4) và lấy đê Tả Đáy làm đê bao cho Thủ đô.

 

Cũng theo dự án, một bộ phận dân cư tĩnh (có hộ khẩu Hà Nội) và dân cư động (người thường ngày ra vào Hà Nội) sẽ được chuyển ra ngoại ô Hà Nội.

 

Dự án cũng dời một số trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; đưa một số cơ quan trung ương và địa phương ra ngoại thành; chuyển một số bảo tàng thành một khu và mở thêm bảo tàng về khoa học tự nhiên, sân khấu, văn học, âm nhạc.

 

“Hà Nội đang rất chật, kể cả các vùng ngoại ô như Từ Liêm, Đông Anh đất đai cũng gần như đã có chủ hết rồi, giá đất vẫn cao, có nơi cao nhất thế giới.

 

Trong khi đó, ở bên kia quốc lộ 70 (chạy giữa đất của Hà Nội và Hà Tây) thì đất còn rất nhiều, người dân chủ yếu làm nông nghiệp sống trong cảnh khó khăn, chật vật...”. (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Thảo)

Dự án cũng tính đến việc dành toàn bộ một khu trước cửa Đoan Môn và Cột Cờ thành vườn hoa và đặt tượng đài Bác Hồ ở một vị trí thích hợp; chuyển các bệnh viện hiện nay trong nội thành ra các đường vành đai để giảm mật độ người đi bộ trong nội đô, ưu tiên bệnh nhân cấp cứu từ xa đến. Xây dựng các kè dọc hai bên bờ sông Hồng, tạo thành công viên đẹp. Di chuyển các gia đình trong khu phố cổ ra ngoài vì hiện nay khu này rất ô nhiễm.

 

Nội dung cơ bản của dự án cũng nêu vấn đề chuyển đổi cơ cấu vùng Tây Hà Nội theo hướng tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, đô thị; cải tạo nâng cấp nội thành Hà Nội. 

 

UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng gắn quy hoạch phát triển kinh tế với quy hoạch xây dựng vùng thủ đô để tránh phá vỡ mục tiêu quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, sẽ nêu bật vai trò của thành phố Hà Nội với các vùng kinh tế trọng điểm. 

Theo Người Lao Động, Lao Động