1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mở rộng hồ chứa nước ở Thừa Thiên Huế ảnh hưởng trên 21ha rừng

Thế Kha

(Dân trí) - Sau khi lòng hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế) mở rộng sẽ ảnh hưởng đến 21,33ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 3,87ha, rừng trồng khoảng 2,76ha, còn lại là đất chưa có rừng 14ha…

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Hòa Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, lấy ý kiến tham vấn cộng đồng.

Hồ chứa nước Hòa Mỹ nằm trên địa phận xã Phong Mỹ, được xây dựng từ năm 1995. Theo nhiệm vụ thiết kế ban đầu, hồ cung cấp nước tưới cho 2.250ha (trong đó có 600ha lúa 2 vụ, phần còn lại là màu và cây công nghiệp). Tuy nhiên, qua quá trình vận hành, hiện trạng hồ chỉ cấp nước thực tế cho 603ha của 3 xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn.

Sự chênh lệch về diện tích tưới tính toán, theo báo cáo ĐTM, do nguyên nhân biến đổi khí hậu thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mùa khô kéo dài, mưa bổ sung mùa khô ít, mức tưới và phương thức canh tác thay đổi…

Mở rộng hồ chứa nước ở Thừa Thiên Huế ảnh hưởng trên 21ha rừng - 1

Hồ chứa nước Hòa Mỹ (Ảnh: TTXVN).

Vào các năm (1998, 2019, 2020) hạn nặng, nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho mực nước trong hồ xuống nhanh; tháng 7/2019 mực nước hồ xuống dưới mực nước chết. Đơn vị quản lý vận hành đã triển khai các biện pháp tích cực để chống hạn song cũng chỉ cứu được gần 214ha, diện tích còn lại gần 335ha không còn nguồn nước để tưới dẫn tới chịu thiệt hại nặng nề, một số vùng mất trắng.

Tháng 11/2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Hòa Mỹ, tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng.

Dự kiến sau khi lòng hồ Hòa Mỹ mở rộng sẽ ảnh hưởng đến 21,33ha rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 3,87ha, rừng trồng 2,76ha, còn lại đất chưa có rừng khoảng 14,3ha, đất rừng trồng ngoài quy hoạch ba loại rừng khoảng 0,37ha...

Báo cáo ĐTM khẳng định, khu vực gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên của dự án thuộc hồ Hòa Mỹ được triển khai tại xã Phong Mỹ và xã Phong Xuân, không thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Khoảng cách gần nhất từ hồ Hòa Mỹ đến ranh giới khu bảo tồn khoảng 5km nên không gây suy giảm đa dạng sinh học.

Hệ thực vật tự nhiên trong khu vực dự án và lân cận không có các loại cây gỗ lớn, không có các loại cây quý, hiếm thuộc danh mục cần được bảo vệ. Tuy ảnh hưởng đến 12,12ha rừng tự nhiên song qua đánh giá, bản chất rừng tự nhiên không phải rừng nguyên sinh; chủ yếu rừng nghèo tái sinh với thành phần cây rừng chủ yếu gồm Ngát, Vạng, Bạng, Chân chim, Bứa, Dẻ và một số loài cây gỗ có đường kính nhỏ như Keo, Lồ ô.

Mở rộng hồ chứa nước ở Thừa Thiên Huế ảnh hưởng trên 21ha rừng - 2

Vị trí hồ Hòa Mỹ và Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Ảnh: ĐTM).

Rừng ở đây cũng không phải môi trường sống của các loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, chỉ có các loài động vật hoang dã thông thường. Do vậy, chủ đầu tư khẳng định dự án không thuộc đối tượng phải thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học.

"Dự án đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho 603 ha, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con trong vùng", báo cáo ĐTM cho hay.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư là UBND huyện Phong Điền; Công ty cổ phần phát triển công nghệ môi trường Thế Kỷ (trụ sở tại Hà Nội) tư vấn xây dựng báo cáo ĐTM trên.