Mở rộng diện F1 cách ly tại nhà khi TPHCM tới mốc 20.000 ca bệnh
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần khẩn trương cùng với TPHCM bàn, căn cứ tình hình thực tiễn để có hướng dẫn mới về cách ly F1 tại nhà phù hợp, tinh thần hiệu quả là trên hết.
Vấn đề được đặt ra tại cuộc giao ban trực tuyến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với "Sở Chỉ huy chống dịch TPHCM".
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong vòng 24 giờ (tính đến 6h ngày 12/7), TPHCM ghi nhận thêm 1.489 ca mắc Covid-19, trong đó, có 29 ca qua tầm soát cộng đồng, 189 ca qua sàng lọc ở các bệnh viện, còn lại chủ yếu ở các khu cách ly, khu phong tỏa.
Vấn đề quản lý, cách ly khi số lượng F1 tăng quá lớn, lãnh đạo TPHCM báo cáo kế hoạch đưa thêm một số khối nhà chung cư ở Thủ Thiêm vào khai thác để có thêm 6.000 chỗ cách ly tập trung.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo, việc ghi nhận số ca nhiễm lớn trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa cần xem xét lại việc chống lây nhiễm chéo, bảo đảm giãn mật độ tối đa.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lo ngại khi công suất các khu cách ly tập trung tại TPHCM (11 khu) đã đạt khoảng 70%. Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố tính toán thêm phương án cách ly F1 tại nhà.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp thông tin, thành phố đang triển khai kịch bản cách ly F1 tại nhà, khách sạn trong tình huống có 20.000 F0 và 200.000 F1.
"Thành phố mong muốn Bộ Y tế tháo gỡ, điều chỉnh một số điều kiện để cách ly F1 tại nhà ở các khu chung cư, nhà xây mới bảo đảm điều kiện, có sự tham gia giám sát của 17.000 tổ COVID cộng đồng… còn những ngõ, hẻm nhỏ, khu nhà trọ tập trung đông dân cư thì phải đưa các F1 đi cách ly tập trung để bảo đảm an toàn dịch bệnh" - ông Hiệp trình bày.
Phó Thủ tướng cho biết, ông nhận được nhiều ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng việc cách ly F1 tại nhà là một bước tiến, nhưng cần tiếp tục xem xét điều chỉnh tiêu chí, điều kiện quy định hiện nay. Việc này Phó Thủ tướng đã giao và Bộ Y tế cần khẩn trương cùng với Thành phố bàn, căn cứ tình hình thực tiễn để có hướng dẫn mới phù hợp, tinh thần hiệu quả là trên hết.
Lo đời sống cho 16.000 dân nghèo
Theo báo cáo từ 9/7 tới nay, TPHCM đã thiết lập 12 chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào thành phố, 144 chốt cấp quận, huyện và 400 chốt tại 312 phường/xã/thị trấn. Trong 3 ngày qua, thành phố đã xử phạt được 1.200 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tình hình tại các chốt kiểm soát đã ổn định, mật độ giao thông giảm mạnh.
TPHCM đã cấp mã vận tải hàng hóa cho 5 đơn vị với 2.800 xe vận tải ra, vào các cảng, khu công nghiệp, chủ động phân luồng xanh, điều tiết từ xa bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt.
Từ phản ánh của người dân liên quan đến những phiền hà do phải sử dụng giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi di chuyển trong thành phố, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn khẳng định sẽ có chỉ đạo để giảm nhiêu khê, phiền hà cho người dân.
Vấn đề cung ứng hàng hóa, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ báo cáo thêm, thành phố đang triển khai nhiều kênh cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho người dân nghèo.
So với ngày 10/7, sức mua tại các chợ truyền thống tương đối ổn định, các quận, huyện siết chặt việc chốt chặn kiểm soát khiến người dân có xu hướng ngại ra đường. Tại các siêu thị, mã lực mua sắm tăng khoảng 10%. Hàng hóa dồi dào, đầy đủ, giá cả được niêm yết công khai, ổn định.
Thành phố đã khai trương lại "siêu thị mini 0 đồng" tại 6 điểm cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho khoảng 16.000 người dân nghèo. Người dân được chọn lựa những loại thực phẩm, lương thực, hàng hóa đang cần.
Hệ thống siêu thị đang hoạt động hết công suất với sự hỗ trợ tối đa của các doanh nghiệp kho vận (logistics) để tổ chức bán hàng bình ổn lưu động tại các khu dân cư, nơi chợ truyền thống tạm dừng hoạt động. Sau ngày đầu tiên chỉ có 8 điểm bán, ngày hôm nay, TPHCM dự kiến sẽ tổ chức 30 điểm bán lưu động và sẽ tiếp tục tăng theo yêu cầu của các quận, huyện.
TPHCM cũng đã triển khai điểm trung chuyển hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả bên cạnh chợ đầu mối Thủ Đức.
Để đảm bảo an sinh, ổn định xã hội, TPHCM tổ chức tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang nơi công cộng đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội sau khi xét nghiệm; chi hỗ trợ cho 54.700 người/225.000 lao động tự do với 82 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TPHCM quan tâm cả những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt mà trong điều kiện bình thường chưa quản lý, nắm hết được.
Trong công tác điều trị, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, TPHCM cần có sự điều chỉnh từ chiến lược hạn chế số ca F0 sang hạn chế trường hợp tử vong, theo dõi rất sát các F0 không có triệu chứng đang điều trị trong các bệnh viện dã chiến, không để nặng lên.