Mơ làm… xe ôm
Mới 10 tuổi đầu, một chú bé ở vùng biên giới Long An - Campuchia đã phải trở thành trụ cột gia đình. Em là lao động chính trong ngôi nhà nghèo nhất xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ. Khát khao lớn nhất lúc này của chú nhóc là đủ 16 tuổi, để trở thành một tài xế xe ôm.
Gã đàn ông đầu đinh, mặt mũi bặm trợn lừ mắt nhìn đứa nhỏ: “Anh em mỗi người nhường một miếng cho con, sao con chỉ ăn cơm mà bỏ mứa thịt?”. Đứa nhỏ lí nhí: “Dạ, nhà con hồi đó tới giờ không có mua thịt, con không biết ăn thịt”. Người đàn ông chợt dịu giọng: “Thôi, con ráng ăn đi. Con ăn hết bao nhiêu, chú cho tiền con trả...”.
Mẩu chuyện “dụ trẻ con ăn thịt” trên xảy ra cách đây hơn một tháng, tại quán “cóc” không tên của chị Bé Hai, sát cửa khẩu Mỹ Quý Tây (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Chị Bé Hai kể: “Cái thằng nhóc đó, nhà nó nghèo dữ lắm. Còn mấy ông dụ nó ăn cơm với thịt rồi cho tiền là mấy ông trong đội xe ôm, chắc cũng chỉ “giàu” hơn nó một chút. Mấy ông xe ôm hùn tiền để tui nấu cơm trưa.
Thấy nó đi lượm ve chai khổ quá, mấy ổng kêu cho ăn cơm. Khi biết hoàn cảnh của nó, mấy ổng góp tiền, phụ nó tiền chợ mỗi ngày. Anh muốn kiếm nhà nó, cứ vô ấp 6, hỏi nhà anh em thằng “tiền nhiều”, vì anh tên Tiền, em tên Nhiều, ai cũng biết”.
Theo những người hàng xóm, chú bé Phạm Văn Tiền (SN 2003) bắt đầu trở thành “trụ cột gia đình” vào năm 2013, khi mới 10 tuổi. Thời điểm đó, chị Hồ Thị Năm (SN 1978), là mẹ của Tiền, mất do bệnh ung thư. Năm 2002, chị Năm kết hôn cùng anh Phạm Văn Hiền (SN 1979) rồi cùng dắt nhau về quê chồng ở Gò Dầu (Tây Ninh) sinh sống. Không đất đai, cũng không nghề nghiệp, anh Hiền suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt làm vui, nên nhà đã nghèo càng nghèo hơn. Đến năm 2009, khi sinh đứa con thứ hai Phạm Kim Nhiều, chị Hiền thấy đau trong người, cơ thể sụt cân nên đi khám, bác sĩ nói bị ung thư giai đoạn cuối.
Chị Năm đau đớn vật vã, trong khi anh chồng lưng dài vai rộng vẫn không biết làm gì ngoài nhậu, chị đành dắt con về nhà mẹ ruột là bà Đinh Thị Lớn, uống thuốc nam chờ chết. Anh chồng sống ở Gò Dầu không ai lo cơm nước, cũng tự mò về tá túc gia đình vợ. Bà Lớn (65 tuổi) bị lãng tai, là người nghèo nhất nhì trong xóm, được các nhà hảo tâm cất nhà đại đoàn kết để che nắng che mưa.
Con trai út của bà Lớn mới 20 tuổi, sức dài vai rộng nhưng lại hơi nghễnh ngãng, chẳng biết làm gì, nên gánh nặng con cháu đè lên vai người đàn bà gầy nhỏ, chưa quá 30kg. Đàn ông trong nhà “chỉ biết đi chơi” nên mới 9 tuổi, chú bé Tiền đã theo bà ngoại ra các bưng trũng trong xóm rút bông súng, ngắt đọt kèo nèo, hái mớ rau dại, rồi cùng bà đem ra chợ bán.
Chị Hồ Thị Năm nằm liệt giường ở nhà mẹ ruột được gần một năm thì qua đời. Anh chồng vô trách nhiệm như tỉnh ngộ, hứa sẽ lo làm ăn, lo cho các con. Xã nghèo, chẳng giúp được gì nhiều nên ông Nguyễn Xuân Vũ - bí thư xã - đi bảo lãnh cho anh Hiền mua chiếc xe gắn máy trả góp để chạy xe ôm. Nhưng chỉ được vài ngày, anh này gây tai nạn nghiêm trọng ở Gò Dầu trong một cơn say xỉn, trong túi lại không có một đồng lo tiền thuốc thang cho nạn nhân, nên bỏ nhà đi biệt.
Trụ cột... ở tuổi lên 10
Bắt đầu từ thời điểm này, chú nhóc mới 10 tuổi bỗng dưng trở thành người đàn ông trụ cột của gia đình. Mỗi ngày, ngoài giờ đi học, phụ bà ngoại hái rau, Tiền xách cái bao tải đi dọc bờ đê biên giới, thấy ai vứt bọc nylon, vỏ chai thì nhặt hết cho vào bao, đem bán cho tiệm ve chai. Hai tháng nay, được nghỉ hè, “lịch làm việc” của chú bé kín mít. Hỏi tại sao tay chân đầy sẹo, chú bé gầy choắt cười hồn nhiên: “Mấy chú trong xóm đi cày ruộng, con chạy phía sau luống cày.
Có con chuột nào chạy ra là con chụp bằng tay, cho vào lồng. Con bị chuột cắn, bị gai cào nên tay chân con có nhiều thẹo”. Hỏi, bắt chuột làm gì? Tiền nói: “Con lột da rồi ướp muối phơi khô, chiên cho bà ngoại và em con ăn cơm”. Tiền còn khoe: “Ngày nào “trúng mánh” con có thể bắt được tới 20 con chuột”.
Thấy khách chăm chú nhìn cái lồng sắt có mấy con ếch và ễnh ương đang nhảy loi choi, Tiền giải thích: Lúc rảnh con đi câu ếch. Hỏi, có phơi khô để ăn cơm không? Tiền lắc đầu: “Chuột không ai mua, con mới phơi khô. Còn ếch là con bán. Chỉ ếch nhỏ, nhái, cóc và ễnh ương thì con mới lột da kho sả để nhà ăn cơm, vì hổng có ai mua hết, chú”.
Thấy nhà có khách, mấy người hàng xóm của bà Lớn xách ấm trà qua, ngồi góp chuyện. Bà Nguyễn Thị Năm (kề nhà bà Lớn) kể: “Có mấy lần nó dắt xe đạp đi chở củi về nhà nấu bếp, chắc củi nặng quá nên cứ đi được một chút, nó lại dựa xe vô gốc cây ngồi thở. Hổng biết nó có bị lao lực không mà tôi còn thấy nó ho ra máu nữa. Mà xóm này nghèo, hễ ai bệnh nặng nằm một chỗ mới đi khám bác sĩ, chứ nhức đầu sổ mũi cứ mua mấy viên kháng sinh uống là hết bệnh liền à”.
Những người hàng xóm của Tiền nói, ở cái xóm biên giới này, người dân ăn rau nhiều hơn ăn cơm, vì lúa trồng khó khăn, còn rau dại mọc đầy xung quanh nhà. Thấy chú nhóc đẩy xe đạp đi bán mớ rau mà ai cũng tự hái được, người dân thấy thương nên mới mua ủng hộ.
"Nghị quyết xe ôm"
Hơn một tháng nay, cuộc sống của chú nhóc đã “dễ thở” hơn, bắt đầu từ buổi “ăn cơm ké” với mấy chú xe ôm ở ngã ba biên giới. Thấy Tiền “không biết ăn thịt”, anh xe ôm Phạm Hồng Hà thấy xót quá. Lúc kêu Tiền ăn thịt rồi sẽ cho tiền, anh liếc vào túi áo của mình thấy có 2 tờ 50.000 đồng - số tiền của hai cuốc xe ôm anh chạy trong buổi sáng. Sau một hồi suy nghĩ, anh rút một tờ đưa cho Tiền và nói: “Con cầm đi ngang chợ mua đồ ăn. Bắt đầu từ ngày mai, mỗi buổi trưa ghé chỗ này ăn cơm với mấy chú”.
Buổi tối hôm đó, tổ trưởng tổ xe ôm Lâm Thanh Dũng và tổ phó Phạm Hồng Sơn, sau khi nghe tổ viên Phạm Hồng Hà trình bày về gia cảnh đặc biệt của bé Tiền, tổ quyết định lấy ý kiến anh em để giúp Tiền vượt qua khó khăn. Hai tổ viên già nhất đội là ông Năm Xe (75 tuổi) và Hai Bảnh (68 tuổi) nói, nó còn nhỏ mà biết lo như vậy thì cả tổ phải giúp nó, giúp tới đâu hay tới đó. Thế là “nghị quyết xe ôm” được ban hành ngay trong đêm: Nếu tổ xe ôm còn tồn tại, mỗi ngày chú bé Tiền sẽ cùng ăn cơm trưa và nhận 50.000 đồng. Cả tổ có hơn 100 tổ viên, do đó mỗi người có trách nhiệm bớt một gói thuốc lá trong tháng là đủ giúp Tiền.
Không chỉ giúp về mặt vật chất, Tiền còn được các chú xe ôm “giám sát” chặt mọi hoạt động. “Gần đây, mấy cái máy bắn cá mọc tùm lum ở chợ xã. Ở đây không có món gì giải trí, nên người lớn, con nít kéo nhau đi bắn cá rần rần. Mấy lần thấy bọn trẻ con lôi kéo thằng nhóc vào đó chơi, chúng tôi phải nhắc nhở không cho nó chơi. Thậm chí, anh em tôi còn phân công nhau đi các tụ điểm bắn cá, nói rõ với họ là nhà thằng Tiền nghèo lắm, mấy anh chị chủ tiệm thấy nó vào thì đừng cho nó chơi, tội nghiệp nó” - anh Sơn nói.
Ở địa phương, bà Lớn chưa phải hộ nghèo, vì trong hộ khẩu có đến 2 thanh niên (là người cha nát rượu của Tiền và người cậu khờ) trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, theo giấy tờ, bà còn có miếng ruộng. Tuy nhiên, miếng ruộng này bà đã cầm cố khá lâu và chưa có tiền chuộc lại. Vậy mà, bà Lớn cười móm mém bảo: “Coi nghèo vậy chứ hổng có đói, mấy chú ơi. Từ ngày có thằng cháu này, chuyện trong nhà ngoài cửa có nó lo hết. Tôi tuổi cao sức yếu, thôi thì ráng với nó vài năm nữa cho anh em nó lớn một chút thì tôi mới dám chết”.
Chao ơi, ước mơ chi mà buồn!
Theo Hữu Danh
Lao Động