1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Hậu “Nơi vàng đen đi qua”:

Mitraco đã báo cáo không đúng sự thật

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về thực trạng sa mạc hóa liên quan tới việc khai thác quặng titan. Điều đáng nói doanh nghiệp này đã báo cáo không đúng sự thật.

Bản báo cáo trên khẳng định phía Mitraco đã làm tốt công tác hoàn trả đất, tái tạo môi trường. Tuy nhiên, một cuộc “tổng kiểm tra” trở lại của PV Dân trí cho thấy, lãnh đạo Mitraco đã không thông tin đúng sự thật cho UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Mitraco nói gì?

Văn bản báo cáo số 185 BC/TCT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện công tác hoàn trả, tái tạo môi trường trong quá trình khai thác mỏ Ilmenit của Mitraco do ông Lê Văn Lịch - Chủ tịch HĐQT Mitraco ký chứng minh với UBND tỉnh Hà Tĩnh rằng: Mitraco luôn chú trọng và thực hiện nghiêm túc, trình tự các thủ tục trước khi khai thác, từ việc thành lập dự án nghiên cứu khả thi; báo cáo tác động môi trường; thủ tục thuê đất; phối hợp với địa phương; vận động nhân dân thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đền bù tài sản cho tập thể, cá nhân; lập quy trình thiết kế khai thác mỏ; hoàn thổ sau khai thác; trồng cây tái tạo môi trường.

Tất cả các bước đều tuân thủ theo quy định của pháp luật và các chủ trương chính sách, quy định của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, Mitraco đã khai thác theo mô hình cuốn chiếu, khai thác moong (hố) sau thì xả cát thải hoàn thổ moong trước. Bãi thải được san gạt theo yêu cầu của địa phương trước khi trồng cây xanh. Mitraco đầu tư 100% kinh phí để trồng cây trên mỏ sau khi đã khai thác.

Việc trồng cây được giao cho các tổ chức đoàn thể tại các xóm có mỏ chịu trách nhiệm từ khâu ươm giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây. Sau hai năm, cây đảm bảo xanh tốt và khép tán được Mitraco, Sở Tài nguyên Môi trường, chính quyền địa phương nghiệm thu và bàn giao lại cho các xóm quản lý, sử dụng.

Thực tế lại trái ngược!

Ngay sau khi có bản báo cáo trên, nhóm PV Dân trí đã vào cuộc tại hai mỏ Ilmenit được Bộ Công nghiệp cấp giấy phép cho Mitraco khai thác là Kỳ Khang huyện Kỳ Anh (759 ha) và Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (1595 ha).

Mitraco đã báo cáo không đúng sự thật - 1
  

Diện tích cây mới trồng này tại mỏ titan Kỳ Khang
cũng đang bị phá bỏ để đơn vị lấy quặng.

Ngay tại khu vực phía bắc Thị trấn Thiên Cầm nơi mà Dân trí đã đăng tải phóng sự ảnh “Nơi vàng đen đi qua”, trong khi lãnh đạo Mitraco cho rằng, việc doanh nghiệp này chưa trồng cây là do vùng đất này đã được tỉnh quy hoạch, giao cho Sở Công thương quản lý.

Tuy nhiên, khi làm việc với chúng tôi, ông Trịnh Phúc Đường Đường, Giám đốc Xí nghiệp khai thác lại thẳng thắn thừa nhận: “Việc không trồng cây như cam kết là thiếu sót. Tháng 9 này chúng tôi sẽ làm đúng trách nhiệm. Còn sau đấy, khi bàn giao cho Sở Công thương quản lý, xử lý số diện tích cây này như thế nào là trách nhiệm của họ”.

Tại khu vực mỏ xã Cẩm Hòa, việc hoàn trả môi trường sau khai thác cũng không diễn ra như báo cáo của lãnh đạo Mitraco. Dọc dải đất có chiều dài hơn 5 km không khó nhận ra những bãi cát trắng được san lấp nham nhở, điều đáng nói là rất nhiều cây xanh do Mitraco đầu tư 100% kinh phí, cây thì còi cọc cây thì chết giữa “sa mạc” đầy cát trắng.

Ông Lê Viết Cung, Đội trưởng Đội khai thác Nhà máy 120 tấn/h (một trong 6 đội thuộc Xí nghiệp khai thác titan) cũng không đồng tình với kiểu “đem cây bỏ chợ” như hiện nay của lãnh đạo Mitraco.

“Trước đây họ trồng cây rất có trách nhiệm. Cây được bỏ vào bầu, đào hố, tạo mùn rồi mới trồng. Nhưng giờ thì khác, họ giao cây cho dân, người dân không có kỹ thuật, trồng xong không chăm sóc cây chết là đương nhiên” - ông Cung thất vọng.

Nhiều cán bộ hoạt động trong lĩnh vực môi trường khi chứng kiến thực trạng khai thác titan và văn bản báo cáo của Mitraco đã khẳng định, nếu cứ cách làm không quyết liệt như hiện nay thì thực trạng sa mạc hóa là điều không tránh khỏi.

Văn Dũng