1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dự án cầu Vĩnh Tuy - Hà Nội:

“Mịt mù” khu tái định cư

(Dân trí) - Hơn một năm qua, hàng chục hộ dân tổ 13, phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội đôn đáo khắp nơi kêu cứu. Họ cho rằng Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Long Biên đã không thực hiện đúng chế độ đền bù và quy định về khu tái định cư khi thực hiện dự án cầu Vĩnh Tuy.

Bà Nguyễn Thị Thơm, tổ phó tổ dân phố 13 và ông Lưu Việt Vương, một trong những hộ dân trong diện di dời, trưng ra hàng loạt tài liệu phản ánh việc Hội đồng giải phóng mặt bằng (HĐGPMB) quận Long Biên có nhiều sai phạm khi thực hiện chế độ cho những hộ thuộc diện giải tỏa, từ những vi phạm trình tự GPMB đến việc không thực hiện đúng qui định về bố trí khu tái định cư cho dân… 

 

Những sai phạm này dẫn đến việc giải phóng mặt bằng tại khu vực này đang gặp nhiều khó khăn.

 

Khu tái định cư: chờ đến bao giờ?

 

Theo quy định tại Nghị định 197 của Chính Phủ thì điều kiện bắt buộc đối với khu tái định cư trước khi bố trí đất ở cho các hộ dân là phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Trên thực tế, HĐGPMB quận Long Biên đã không thực hiện đúng theo quy định này.

 

Dù đã có những hộ dân chấp nhận tiền đền bù và trên thực tế, một số đã bắt đầu dỡ nhà nhưng khu tái định cư vẫn chỉ là một… khu đất trống. Dẫn  chúng tôi đến “khu tái định cư trống” này, ông Vương bức xúc: “Đó, như vậy mà họ gọi là khu tái định cư đó. Đường vào thì toàn ổ trâu, ổ voi, nước sạch chưa có, điện thì phập phù rồi đường điện thoại, cây xanh cũng chẳng thấy đâu. Họ yêu cầu chúng tôi nhận tiền, bàn giao mặt bằng vậy mà khu tái định cư thế này thì dân chúng tôi biết sống ở đâu?”.

 

Ông Vương còn cho biết, trong cuộc họp với dân mới đây, ông Chủ tịch quận hứa hết tháng 9 sẽ xong khu tái định cư vậy mà đến giờ vẫn như vậy. 

 

Chứng kiến những gì ở đây mới thấy thông cảm cho những người dân trong diện giải tỏa. Đường vào gập ghềnh ổ trâu, ổ voi, bụi mù mịt và “con đường 40 m” nằm trong quy hoạch của khu tái định cư hiện cũng mới chỉ được chiếc máy ủi “là” một vệt ngoằn ngoèo. Lúc chúng tôi đến, thấy chiếc máy ủi đang nằm “buồn thiu” bên đống đất.

 

Ngay cả dự kiến phương án đền bù, một văn bản mà theo quy định phải được niêm yết được công khai tại trụ sở UBND phường, xã cũng khiến người dân bức xúc. Ông Vương “trình” ra cho chúng tôi xem một văn bản phương án đền bù của các hộ dân đã từng niêm yết tại UBND phường. Văn bản này chỉ đóng dấu treo của UBND phường Phúc Đồng còn ở cuối văn bản, nơi có danh sách  các đơn vị phải ký như Phòng tài nguyên môi trường, Phòng đô thị, Ban quản lý hạ tầng tả ngạn, thậm chí cả Ban GPMB của quận cũng không có lấy một chữ ký của người đại diện. 

 

“Lẽ ra họ phải niêm yết trong suốt thời gian thực hiện dự án nhưng từ khi niêm yết bản sao chi tiết phương án dự kiến đến khi có quyết định phê duyệt phương án, bồi thường (8/2006), HĐGPMB chỉ niêm yết một lần bản phương án dự kiến. Như vậy là đã vi phạm thông tư 116 hướng dẫn thi hành Nghị định 197 của Chính phủ về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, ông Vương  bức xúc trích dẫn vanh vách các văn bản luật.

 

Bà Nguyễn Thị Thơm than thở: “Dân chúng tôi chỉ cần họ làm đúng theo qui định của pháp luật, được như vậy, chúng tôi lập tức giao mặt bằng ngay. Đằng này họ làm quá nhiều việc sai trái, gây bức xúc cho người dân chúng tôi”.

 

Được biết, Chủ tịch UBND quận Long Biên đã hai lần tổ chức họp với dân nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề: “Sau mỗi lần họp với Chủ tịch quận, chúng tôi càng bức xúc hơn vì cách tiếp nhận thông tin thiếu thẳng thắn của ông Chủ tịch”, ông Vương cho biết.

 

Tại… sức ép tiến độ

 

Trao đổi với PV Dân trí về lý do chậm triển khai thực hiện khu tái định cư cho các hộ dân di dời, ông Nguyễn  Thiệu Sơn, Phó Chủ tịch HĐGPMB quận Long Biên cho biết, vì sức ép về tiến độ triển khai GPMB để bàn giao việc xây dựng dự án cầu Vĩnh Tuy nên cơ sở hạ tầng của khu tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Sơn cũng thừa nhận việc quận đã cam kết với bà con sẽ xây dựng khu tái định cư xong trước 30/9 nhưng chưa thực hiện được. “Quy định đề ra là cơ sở hạ tầng khu tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng chỗ ở cũ  nhưng rất khó thực hiện. Văn bản “đi” nhanh quá nên thực tiễn khó theo kịp”, ông Sơn trần tình.

 

Cũng theo ông Sơn, tháng 10 là hạn cuối để các hộ dân nhận tiền đền bù, hộ nào không di dời sẽ phải áp dụng các biện pháp hành chính (cưỡng chế). 

 

Chưa biết chính quyền làm không đúng quy định thì phạt ra sao, chỉ biết dân mà làm không đúng quy định thì sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài.

 

Đức Hòa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm