1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Miếng vỏ cam được gìn giữ hơn 50 năm

(Dân trí) - Giữa hàng chục tấm huy hiệu, huy chương, kỷ niệm chương… là một mảnh vỏ cam vàng sánh - món quà quý của Bác Hồ mà cụ Nguyễn Ngọc Nương, 84 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng, thương binh hạng 3/4, nâng niu gìn giữ suốt hơn 50 năm qua.

Cụ Nguyễn Ngọc Nương sinh ra tại xã Sơn Thời, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Lớn lên trong cảnh lầm than dưới gót giày quân xâm lược, thù nhà nợ nước đã hun đúc trong cụ lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc.

 

14 tuổi, Nương tham gia đội du kích thiếu niên, 17 tuổi vào lực lượng vũ trang tuyên truyền bộ đội địa phương huyện An Hoá, 19 tuổi trở thành điệp báo viên tỉnh Bến Tre. Năm 1946, Nương được kết nạp Đảng Cộng Sản Việt Nam, làm đội trưởng quân báo.

 

Chàng thanh niên Ngọc Nương khi đó liên tục thiết kế nhiều trận đánh nổi tiếng khiến quân thù khiếp đảm; cùng đồng đội tham gia chiến dịch Lê Hồng Phong tấn công phá huỷ một loạt đồn bốt địch. Năm 1951, do một tên chiêu hồi khai báo, Ngọc Nương bị địch bắt.

 

Thực dân Pháp mừng rỡ khi bắt được người đội trưởng quân báo khét tiếng, nỗi kinh hoàng bấy lâu nay của chúng, nên đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhằm tìm đường dây quân báo của ta. Nhưng tất cả đều chịu thua trước lòng trung kiên của người chiến sĩ cách mạng. Chúng chuyển người tù “ngang bướng” đi khắp 4 nhà tù khét tiếng: Tiền Giang, Bến Tre, khám lớn Sài Gòn, khám Chí Hoà.

 

Trong tù, người tù chính trị ấy càng thể hiện ý chí kiên định gang thép và được bầu vào chi uỷ chi bộ nhà tù. Cuối năm 1951, chúng mở phiên toà đại hình tuyên xử Ngọc Nương 20 năm khổ sai, 10 năm lưu đầy biệt xứ, tổng cộng hình phạt 30 năm đầy ra Côn Đảo.

 

Năm 1954, hiệp đình Giơ-Ne-Vơ được ký kết, Ngọc Nương được trao trả và tập kết ra Bắc. Do bị tra tấn, người đầy vết thương, tay chân dập nát nên anh được chuyển lên Hà Nội điều trị. Tại đây anh vinh dự được Bác Hồ đến thăm. Bác cầm tay anh, xem xét các vết thương, ân cần thăm hỏi rồi căn dặn “Đất nước còn nhiều việc phải làm, cháu cố gắng ăn uống, chữa trị sớm lành bệnh tiếp tục phục vụ tổ quốc, lấy vợ sinh con. Là người cộng sản còn sức, còn phải chiến đấu”. Bác thưởng anh một huy hiệu Bác Hồ, tặng anh một quả cam.

 

Người chiến sĩ ấy chia cam cho mọi người cùng ăn, riêng mảnh vỏ cam anh giữ riêng cho mình, phơi khô cất kỹ. Sau này khi đã hồi phục sức khỏe, anh được điều về Ban Giao tế trung ương phục vụ các đoàn khách nước ngoài; tham gia sửa sai trong cải cách ruộng đất; là cán bộ Ban Chống dịch chống đói; làm phiên dịch cho Bộ trưởng Nguyễn Quang Tạo; cán bộ tôn giáo trực tiếp gặp gỡ các cha xứ được đào tạo từ nước ngoài về Việt Nam; tăng cường về xây dựng ngành y ở Ty Y tế Nghệ An; tham gia thành lập bệnh xá liên huyện Diễn Yên Quỳnh rồi gắn bó luôn đời mình ở Diễn Châu với cô y tá Nguyễn Thị Tăng.

 

Suốt thời gian dài hoạt động, dù vết thương tái phát, sốt rét quật ngã nhiều lần, nhưng cụ vẫn đinh ninh lời Bác dặn “còn sức còn chiến đấu”. Mỗi khi vết thương tái phát, mỗi lần gặp bước gian truân, cụ lại đưa mảnh vỏ cam ra ngắm và tự nhắc mình: “Bác Hồ bận trăm công ngàn việc vẫn dành thời gian quan tâm từng cảnh đời, mình phải xứng với sự quan tâm đó”.

 

Cụ đạt chiến sĩ thi đua 15 năm; huân chương hạng 1, 2, 3 chống Pháp, chống Mỹ; huân chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”; huy hiệu “thầy thuốc như mẹ hiền”; huy chương “tổng công đoàn việt nam” và nhiều huy hiệu bằng khen khác.

 

Hiện cụ vẫn đang sống cùng gia đình ở xóm 7, xã Diễn Phúc, Diễn Châu, Nghệ An, trong ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ. Trước nhà, cụ lâp bàn thờ ngày đêm hương khói tưởng nhớ 15 đồng đội bị địch mổ bụng moi gan quẳng xác xuống sông.

 

Là cán bộ lão thành cách mạng nhưng cụ không đòi hỏi bất cứ một chế độ ưu tiên, ưu đãi nào. Hôm đồng chí chủ tịch huyện đến thăm, thấy cột kèo nhà bị mối ăn, ngỏ ý làm cho cụ ngôi nhà, cụ bảo: “Hãy làm cho các gia đình khác có hoàn cảnh khó khăn hơn”. Nhiều người bảo cụ đi giám định thương tật để hưởng chế độ cao hơn, cụ hiền từ trả lời: “Mình cống hiến cho tổ quốc chứ không phải để đòi hỏi hưởng thụ”.

 

Nguyễn Đình Lộc