1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Miền Trung khát cháy

(Dân trí) - Một dải đất từ Quảng Bình đến Ninh Thuận những ngày này lâm vào cảnh người thiếu nước sinh hoạt, đồng ruộng thiếu nước tưới. Hơn thế, một số tỉnh Tây Nguyên cũng bị hạn giữa mùa mưa!

Thiệt hại nặng nề

 

Hơn 10 nghìn hecta lúa của Quảng Bình đang cháy đỏ trong lửa nắng và gió lào, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết. Tất cả nông dân và cán bộ nông nghiệp ra đồng, tất cả các nguồn nước đều đã được huy động cứu lúa nhưng tất cả đều lần lượt cạn kiệt. Sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang, sông Loan còn nước đấy, nhưng là nước nhiễm mặn.

 

Tệ hơn, hai huyện Bố Trạch, Minh Hóa nước uống cho người cũng khan. Một chậu nước rửa mặt rửa tay được giữ lại cho súc vật uống, nếu còn thì tưới cho ngọn rau héo!

 

Con số 135 ngàn người dân ở nông thôn Quảng Bình thiếu nước sinh hoạt trong báo cáo còn thấp lắm so với thực tế nhưng cũng đủ cho chúng ta giật mình lo lắng. Vì trời  vẫn nắng chang chang. Vì nông dân vẫn ngửa mặt đón mưa vàng!

 

Quảng Trị cũng khát gay gắt. Lượng mưa trong toàn tỉnh chỉ đạt 150mm trong 6 tháng qua, thấp hơn so với lượng mưa cùng kỳ nhiều năm gần 300mm. Mực nước sông Vĩnh Phước xuống thấp hơn hệ thống cửa nhận nước của nhà máy nước Quảng Trị, hồ chứa Ái Tử đã phải cứu viện để thị xã Đông Hà và thị xã Quảng Trị có nước sinh hoạt. Hơn 20.000 giếng đào đã trơ đáy, hơn 100 giếng khoan bơm tay đã bị nhiễm mặn.

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị ghi nhận trên 28 nghìn hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt và đã có 8.314 ha ruộng lúa bị hạn, 2.800 ha mất trắng, chưa kể diện tích hoa màu. Tỉnh đã chi 1 tỉ đồng giúp nông dân khai thác các nguồn nước ngầm.

 

Quảng Nam và Phú Yên cũng là hai tỉnh thiệt hại nặng vì hạn hán kéo dài. Riêng Phú Yên tình trạng thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn kéo dài đang diễn ra nghiêm trọng ở các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và huyện miền núi Sông Hinh.

 

Đặc biệt, đang giữa mùa mưa Tây Nguyên nhưng đã có trên 20 ha trồng chè của đồng bào thiểu số huyện Bảo Lâm bị chết khô. Còn ở Đắc Lắc đã có 47.689 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 22.064 ha ngô, đậu, lạc, mè bị mất trắng.

  Nguyên nhân từ... con người  

Chưa có thống kê cuối cùng về tổng thiệt hại do đợt hạn hán này gây ra ở miền Trung và Tây Nguyên, nhưng hẳn là một con số rất lớn về tiền của. Lớn hơn nhiều lần so với chi phí đầu tư chống hạn đã bỏ ra trong những năm gần đây. Và qua đó, dễ nhận diện nguyên nhân gây thiệt hại không chỉ là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn do đầu tư chống hạn thiếu hiệu quả. Chỉ cần nhìn qua một vài “ví dụ” thì rõ:

 

Ngày 26.7, UBND tỉnh TT-Huế cho biết 5 công trình nước sinh hoạt ở huyện A Lưới và huyện Hương Trà không có nước! Trước đó, ở Quảng Bình, một kết quả khảo sát dự án xây dựng hệ thống giếng bơm cung cấp nước sinh hoạt cho 4.270 người ở Đại Phong đã làm cho lãnh đạo tỉnh bị sốc: Công trình 1 tỷ đồng này chỉ có 1 giếng có nước… đục không dùng được, số còn lại bơm không lên nước cho dân uống! Tình hình này lại phổ biến, tỉnh nào cũng có!

 

Bảo Chương