ĐBSCL:

Miền Tây xả nước, gom phù sa cứu hàng ngàn ha lúa

(Dân trí) - Nhiều năm liền, mùa nước nổi ở miền Tây không về, đất ruộng rên siết vì bạt màu, sâu bệnh... Năm nay, nước về sớm, mực nước cao hơn mọi năm, chính quyền tỉnh An Giang, Đồng Tháp vận động người dân “phá” đê cho nước tràn ruộng, gom góp phù sa phục hồi đất….

Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ngày 25/8 cao 3,6 m. Dự báo cao nhất tại Tân Châu, Hồng Ngự ở mức từ báo động cấp 2 đến cấp 3, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10 tại Tân Châu cao từ 4 - 4,5 m. Mùa nước nổi năm nay, sẽ cao hơn trung bình nhiều năm là cơ hội lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cải tạo độ pH của đất và chuẩn bị cho vụ đông xuân 2018 bội thu.

Tại tỉnh Đồng Tháp có 200.000 ha lúa hè thu, trong đó đã thu hoạch 123.000 ha. Còn lại, 140.000ha lúa thu đông trong các ô bao đảm bảo an toàn đang được người dân thu hoạch dứt điểm trong tháng 8/2017.

Năm nay mùa nước nổi về sớm, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã khuyến khích người dân không sản xuất vụ 3, mở đập cho nước vào ruộng lấy phù sa. Theo kế hoạch, Đồng Tháp cho xả lũ khoảng 100.000 ha diện tích trồng lúa. Tại các xã biên giới huyện Hồng Ngự, từ ngày 16/8, chính quyền địa phương đã mở cống, xả nước vào ruộng, cải tạo và vệ sinh đồng ruộng.

Nước về sớm đã làm hàng ngàn ha lúa ở An Giang, Đồng Tháp... bị nhấn chìm. Nhiều hộ trầm mình gặt lúa vớt vác chút đỉnh.
Nước về sớm đã làm hàng ngàn ha lúa ở An Giang, Đồng Tháp... bị nhấn chìm. Nhiều hộ trầm mình gặt lúa vớt vác chút đỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hai – một nông dân ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, cho biết. lợi ích khi cho nước tràn ngập đồng bà con ai cũng biết. Tuy nhiên, hiện nay có một số hộ dân làm màu nên việc mở đập cho nước vào đồng cũng gặp khó khăn. Chính quyền vận động những hộ này thu hoạch xong không xuống giống tiếp và người dân cũng đồng thuận.

Còn các vùng đầu nguồn tỉnh An Giang nước đỏ ngầu tràn đồng, nhiều nơi ngập sâu cả 1m. Việc nước về sớm đã làm hàng ngàn ha lúa vụ hè thu ngập nước, bà con phải trầm mình gặt lúa, nhiều hộ không thu hoạch được.

Anh Lê Văn Sơn – xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, cho biết, mấy năm rồi vùng đất này không thấy nước về nên bà con gieo sạ lúa. Ai ngờ năm nay nước về sớm, ngập hết, bà con mắt trắng lúa. Bà con tôi mong cơ quan nhà nước có dự báo mực nước sớm cho người dân để chúng tôi biết có nên gieo sạ hay để cho đất nghỉ.

Theo anh Sơn và nhiều người dân khác, bà con canh tác ngoài đê như anh rất cần dự báo mực nước của ngành chức năng để gieo sạ hay cho đất nghỉ ngơi. Làm được việc này, người dân không thua lỗ khi nước về sớm như năm nay
Theo anh Sơn và nhiều người dân khác, bà con canh tác ngoài đê như anh rất cần dự báo mực nước của ngành chức năng để gieo sạ hay cho đất nghỉ ngơi. Làm được việc này, người dân không thua lỗ khi nước về sớm như năm nay

Tại An Giang, diện tích mở đồng đến thời điểm này đã hơn 23.000 ha, ghi nhận tại các cánh đồng ở thượng nguồn biên giới nước đã tràn vào, có nơi ngập đạt 1 mét, dòng nước đỏ ngầu, tín hiệu mang nặng phù sa.

Ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết: Tại các cánh đồng nằm trong vùng đê bao khép kín sau khi nông dân thu hoạch lúa, hoa màu xong mùa vụ, chúng tôi cho tiến hành “mở đồng đón nước”, hiện đã có hơn 80% các cánh đồng nước đã được đưa vào. Đây là việc làm mang lại lợi ích rất lớn cho vụ sản xuất sau. Bởi vì, khi nước tràn đồng sẽ giúp thực hiện đúng quy trình vận hành kiểm soát lũ, theo hướng định kì Thứ 2, các loại dịch bệnh, sâu bọ sẽ bị nước “nhấn chìm”, trả lại trạng thái sản xuất “sạch” cho bà con. Thứ 3, đưa phù sa vào đồng ruộng, nhằm giúp đất “phục hồi sức khỏe” tạo điều kiện cho đất nghỉ ngơi. Thứ 4, thông qua việc đưa nước vào đồng sẽ thống nhất, cân bằng lại lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt cho vụ lúa sau. Thứ 5, thông qua việc đưa nước vào đồng sẽ giúp cân đối cung – cầu, điều chỉnh việc sản xuất theo đúng khuyến cáo của ngành chức năng.

Theo PGS-TS Lê Tuấn Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), những năm qua, đồng ruộng bị đóng kín trong các đê bao nên chất lượng đất và nước bị suy giảm do thiếu phù sa và làm gia tăng ô nhiễm trên đồng ruộng. Hai tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang cho mở đê bao xả lũ để đón phù sa là việc làm đáng khuyến khích.

Trước lợi ích nhiều mặt của việc “phá” đê cho nước vào đồng ruộng, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, An Giang vẫn tổ chức họp dân để lấy ý kiến. Đặc biệt trước khi cho nước vào ruộng, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát thực tế để xem “đất sạch” hết chưa (không có diện tích trồng màu, cây ăn trái…), khi đó mới thông báo cho dân, tiến hành cho nước vào ruộng.

Nguyễn Hành