1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Miền Bắc đã hết nồm ẩm?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ đang trải qua đợt nắng nóng cục bộ, nhiệt độ có nơi trên 39 độ C. Thời tiết các khu vực này đã khô ráo, nhưng miền Bắc đã thực sự chấm dứt nồm ẩm?

Như đã đưa tin, vài ngày trở lại đây, tại miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ đang trải qua đợt nắng nóng cục bộ, nhiệt độ có nơi trên 39 độ C. Thời tiết các khu vực này đã khô ráo, không còn nồm ẩm như những ngày trước đó.

Vậy hiện tượng thời tiết nồm ẩm ở khu vực miền Bắc đã kết thúc chưa? Liệu trong tháng 4/2021 có xuất hiện những đợt không khí lạnh mới?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng nồm ẩm nguyên nhân chính là do các đợt không khí lạnh suy yếu dần và di chuyển ra phía biển, kéo theo đó là gió Đông Nam di chuyển vào đất liền.

Miền Bắc đã hết nồm ẩm? - 1

Ông Hoàng Phúc Lâm nói về hiện tượng thời tiết nồm ẩm ở miền Bắc (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo ông Lâm, có 2 nguyên nhân để kết thúc nồm ẩm, đó là: Không khí lạnh rất mạnh tràn xuống làm cho thời tiết khô ráo; Áp thấp nóng phía Tây phát triển và trời nắng hẳn lên cũng sẽ làm cho nồm ẩm biến mất.

"Trong tháng 4 này, chúng tôi nhận định vẫn còn các đợt không khí lạnh yếu xuất hiện ở miền Bắc, do đó, vẫn còn các hình thế thời tiết gây ra hiện tượng nồm ẩm", ông Lâm cho biết.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phân tích tiếp, trong tháng 4/2021 khu vực miền Bắc không phải là giai đoạn cao điểm của nắng nóng, trong khi đó dự báo sẽ còn các đợt không khí lạnh yếu tác động đến khu vực này, do đó, hiện tượng nồm ẩm sẽ còn tái diễn, thậm chí sang cả vài ngày đầu của tháng 5/2021.

"Phải đến giữa tháng 5/2021, lúc đó nắng nóng sẽ bao trùm cả khu vực miền Bắc, nhiệt độ tăng lên, độ ẩm giảm xuống thì mới chấm dứt hiện tượng nồm ẩm", ông Lâm cho biết thêm.

Về vấn đề dự báo nhiệt độ mùa hè năm nay có thay đổi như nào so với mọi năm, ông Lâm cho biết: Nhiệt độ trung bình trong các tháng 4-5/2021 trên cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Riêng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ trong tháng 4/2021 nhiệt độ thấp hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1 độ C.

Ông Lâm nhận định, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt, kéo dài như năm 2020. Thời điểm nóng nhất trong năm nay ở khu vực Bắc Bộ là tháng 5-7, trong khi ở Trung Bộ là tháng 6-8.

Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (31/3), nắng nóng diện rộng đã xảy ra ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Dự báo, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay (1/4), nắng nóng tiếp tục xảy ra ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C; riêng khu vực vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-16 giờ.

Cảnh báo, đợt nắng nóng này ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 2/4.   

Cảnh báo tác động của nắng nóng: Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.  

Ngày hôm nay (1/4), chỉ số tia UV ở Huế, Đà Nẵng và Hội An có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.   

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.