TPHCM:
Mẹ thương binh nuôi gần trăm con tật nguyền
(Dân trí) - Những đứa trẻ chân tay co quắp, trí tuệ kém phát triển bị những người sinh ra chối bỏ thì má Mười lại “ôm vào lòng”. Với bà, những hình hài dị tật kia là con cái. 8 năm nay, bà dốc lòng dốc sức để nuôi nấng đàn con tật nguyền.
Hố bom xưa, nay là mái ấm
“Thật tình mà nói, vùng đất Củ Chi không có mảnh đất nào bằng cái chén chưa bị bom đạn. Chẳng nói đâu xa, ngay cơ sở này ngày xưa là một hố bom B52 sâu lắm. Sau chiến dịch Phượng Hoàng, địch biến nơi đây thành “vùng trắng”. Đứng từ đầu này nhòm qua đầu kia không thấy một mái nhà, một cái cây nào hết…”, bà Trần Thị Cẩm Giang (mọi người vẫn quen gọi là “má Mười”), hồi tưởng về mảnh đất nay là Trung tâm Bảo dưỡng & Hướng nghiệp trẻ cô nhi khuyết tật Thiện Duyên.
Thành lập năm 2002, mái ấm được xây mới từ cuối năm ngoái, nay khá khang trang với 2 khu: khu nhà ở và khu chăn nuôi, trồng trọt. Khu nhà ở chia ra nhiều phòng: phòng học, phòng tập vật lý trị liệu, phòng dành cho trẻ bại não, phòng của người già… cho đến phòng để rác, rất ngăn nắp và vệ sinh.
Trung tâm của Má nuôi dưỡng hơn 120 trẻ thì có đến hơn 90 trẻ bị tật nguyền
Cơ sở hiện nuôi dưỡng trên 120 trẻ thì chỉ khoảng 30 em có trí tuệ và thân thể bình thường. Còn lại là các em bị bại não, dị dạng, dị tật bẩm sinh, mắc bệnh về da…
Có lẽ phòng bại não là nơi để lại nhiều ấn tượng nhất cho những ai từng đặt chân đến nơi này. Đó là căn phòng lớn chứa hàng chục chiếc giường kim loại sáng choang. Trên mỗi giường, các em nằm, ngồi với đủ tư thế, miệng cười ngây ngô.
Thoạt đầu, ai cũng ngạc nhiên vì trên giường không có mền, gối gì cả. Nhưng khi biết lý do, không ai khỏi chạnh lòng: vì mỗi đêm các em làm bẩn hết, sáng ra các cô bảo mẫu phải giặt, phơi toàn bộ, đến tối lại trải cho các em nằm.
Với khẩu phần 30 ngàn đồng/ngày/em, mỗi tháng Trung tâm Thiện Duyên phải chi hơn 100 triệu đồng cho việc ăn uống, chưa kể các chi phí điện nước, giấy tã, chữa bệnh… Má Mười bộc bạch: “Muốn làm từ thiện, trước hết phải có tâm, sau phải có tiền”, đó là lý do bà gầy dựng khu chăn nuôi dế, rết, bò cạp, trồng nấm bào ngư, nấm hương…
Ngoài ra, các thành viên còn tranh thủ làm muối tiêu, muối ớt, mứt, măng ngâm, bắp bao tử… để bỏ mối. Ai khéo tay, tinh mắt thì kết cườm thành những túi xách, bình hoa, móc gắn chìa khóa… khá tinh xảo. Năm 2008, Thiện Duyên đã lập kỷ lục “chiếc bình bằng nút áo lớn nhất Việt Nam” và nhận thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Mỗi năm, trại dế đem lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Bà con nào muốn nuôi dế và trồng nấm, má Mười sẵn sàng giúp đỡ. Đến nay, đã có hơn 10 hộ học tập cách nuôi dế ở Thiện Duyên.
Người nữ biệt động thành trở thành má của trăm con
Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã biết bao vất vả thì thước nào đo nổi nỗi cực nhọc của các “má” ở Thiện Duyên? Đôi lúc, má Mười than: “Ngày xưa mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở ra trăm con, ai cũng khỏe mạnh, lên núi xuống biển lập nghiệp. Còn trăm con của tui nằm liệt một chỗ, bệnh tật triền miên…”.
Những đứa trẻ đáng thương trong vòng tay cưu mang của Má Mười
Thế nhưng, má không từ chối đứa trẻ nào: “Trời Phật giao cho má thì má nuôi”. Vì thế, số con của má ngày một đông, đến nỗi việc đặt tên cho chúng cũng khiến má Mười… lúng túng.
Má bảo: Tên con trai phải có chữ Thiện, tên con gái phải có chữ Duyên, sau rồi phải thêm “biệt danh” cho dễ nhớ: em Trần Vũ Thiện bị bỏ rơi ở ao sen, đầu cứ lắc qua lắc lại nên gọi là Thiện “lắc”; em Trần Trung Thu bà nhặt được ngoài gò mả vào dịp Trung thu năm 2004…
Nhưng ở tuổi 72, đôi khi má Mười nhầm lẫn tên gọi của từng đứa. Bà cười: “Coi vậy mà hồi bằng tuổi tụi bây, má lanh lắm à nghen”. Năm 14 tuổi, bà theo cách mạng đi vận động thanh thiếu niên. Đến khi 16, bà công tác ở ban Hoa vận khu Sài Gòn - Gia Định.
Còn nhớ năm Mậu Thân (1968), bà lọt vào nhà liên gia trưởng ở quận 5, (tương đương trưởng ấp hiện nay) với vỏ bọc là người giúp việc, chôn khẩu súng và thuốc nổ ngay trong nhà hắn. Nhưng không may, ngày 12/8/1973, bà bị chỉ điểm rồi vào tù.
Chiến tranh bom đạn, lại từng nếm trải đòn roi tra tấn của kẻ thù nhưng bà cho rằng mình còn may, nếu không giải phóng đất nước năm 1975 thì bà ra đến Côn Đảo rồi: “Làm như có một cái “duyên”, trời cho má sống đến giờ để nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật”.
Sau giải phóng, bà làm Phó chủ tịch phường 23, quận Tân Bình, rồi qua làm Quản lý thị trường, Hội phụ nữ quận… Sau khi các con khôn lớn và chồng bà - ông Phan Văn Pha (cũng là biệt động thành Sài Gòn) qua đời do các vết thương chiến tranh, bà về quê Củ Chi lập nên mái ấm, “có tiếng trẻ cho vui cửa vui nhà” - má Mười chia sẻ.
Đến giờ, má Mười vẫn giữ nếp sống giản dị như thuở sống trong rừng, bữa cơm chỉ cần có vài con cá lòng tong là đủ. Ngay cả quần áo của bà cũng có đồ cũ người ta cho. Có người bảo bà “điên”, bán tài sản đất đai để rồi mang lấy gánh nặng cho mình. Nhưng má Mười chẳng cần nhiều lý lẽ: “Tui nuôi phụ Nhà nước vậy, tới đâu hay tới đó…”.
Hồng Nhung - Lê Phương