1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mẹ già mù 90 tuổi nuôi 4 con câm, ngẩn ngơ

(Dân trí) - Đó Cụ Trần Thị Mong, ở thôn Sài 3 (Lương Sơn, Bảo Yên, Lào Cai). Có lẽ cụ là người đàn bà khổ nhất tỉnh Lào Cai, cũng có thể là người nhiều tuổi nhất trên dải đất hình chữ S này hằng ngày vẫn phải kiếm từng bữa cháo nuôi 4 con “thơ dại”.

Ngôi nhà với nhiều người câm và ngớ ngẩn mà chúng tôi tìm đến nằm tít trên một ngọn đồi cao nhất trong thôn. Lạc vào ngôi nhà ấy rồi, tôi vẫn không thể tin tại sao trên đời lại có số phận bị đày đọa tới mức ấy.
 
Cụ Mong (cầm nón) cùng đàn con câm mà đến bây giờ cụ vẫn phải chăm bẵm như chăm con nhỏ

Cụ Mong (cầm nón) cùng đàn con câm mà đến bây giờ cụ vẫn phải chăm bẵm như chăm con nhỏ

 

Trong căn nhà tuềnh toàng, chênh vênh bên sườn đồi, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một cụ già mái tóc bạc trắng, nhỏ thó, đang ngồi giữa đống ngô phơi giữa nhà. Trong ngôi nhà trống trơn, chỉ có một chiếc giường tre ọp ẹp, như đang muốn đổ. Trên đó có hai người phụ nữ trạc tuổi gần 60, phía sau có thêm hai người đàn ông cũng đã già. Tất cả chừng ấy con người đều mở mắt lơ đãng nhìn khách lạ và không ai nói tiếng nào.

 

Một người hàng xóm đang làm vườn cạnh nhà cụ Mong thấy có khách liền chạy qua hỏi han. Qua câu chuyện mới biết người ngồi trên đống ngô là cụ Trần Thị Mong, chủ nhân của ngôi nhà này, cũng là mẹ của những người già còn lại. Cụ mù mắt nên không trông thấy khách, còn các con cụ thì bị câm.

 

Cụ Mong tâm sự, ngôi nhà này cụ được tỉnh dựng cho từ năm 2004, nhưng do chuyển đi chuyển lại nhiều lần, nay đã ọp ẹp, mái bị dột. Ngày mưa trong nhà cũng giống ngoài sân. Ngôi nhà cụ Mong vừa kể là một ngôi nhà gỗ 3 gian, vách nứa nay đã mục, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
 
Những người con câm và ngơ ngẩn của cụ Mong
 
Những người con câm và ngơ ngẩn của cụ Mong

Những người con câm và ngơ ngẩn của cụ Mong

 

Cụ Mong không biết chính xác tuổi mình, nhưng áng chừng 88-90 tuổi. Cụ kể, hồi nhỏ cụ bị bắt cóc lên đây bán cho một người ở xã Yên Sơn (Bảo Yên - Lào Cai). Cụ không biết quê hương, anh em họ hàng thân thích cũng không có. Cụ chỉ biết lớn lên mình có được cái tên là Trần Thị Mong. Do xa gia đình, từ nhỏ sống cuộc sống khổ đau, sau này lại ngày đêm khóc thương cho những đứa con nên đôi mắt cụ cứ mờ dần rồi không nhìn thấy gì nữa. Không nhìn thấy gì nhưng ngày nào cụ cũng dẫn các con đi làm, việc gì cụ cũng làm được. “Không dẫn chúng nó đi thì chúng nó không biết làm gì cả , quanh quẩn ở nhà thì lấy gì mà ăn”, cụ Mong rưng rưng nước mắt.

 

Cụ nói chồng cụ là ông Triệu Quý Chu, là một người đàn ông khỏe mạnh, là dân công đi biền biệt có khi cả năm trời mới về. Cụ cùng chồng sống ở xã Yên Sơn, có được 5 người con, nhưng trong 5 người con chỉ có người thứ 3 là biết nói; 4 người con còn lại (2 trai 2 gái) đều bị câm và ngớ ngẩn, không biết làm gì cả. Sau khi chồng cụ đi dân công về, cả gia đình đã chuyển sang chỗ ở hiện nay là thôn Sài 3, xã Lương Sơn. Năm 1984, chồng cụ đột nhiên qua đời do bạo bệnh, bỏ lại mình cụ với 4 con ngây dại.

 

Ông Triệu Trịnh Cầu là hàng xóm với cụ Mong cho hay: “Tôi chuyển đến đây cùng thời với cụ Mong nên cũng biết rất rõ về gia đình cụ. Cụ Mong có 5 người con, người đâu tiên là Triệu Thị Mấy, sinh năm 1958; Triệu Thị Đến, sinh năm 1960; Triệu Văn Siên sinh năm 1964; Triệu Văn Sâu sinh năm 1966; đều bị câm. Duy nhất chỉ có người con thứ 3 là Triệu Trịnh An sinh năm 1962 bình thường”. Được biết người con thứ 3 do chán cảnh gia đình nên từ khi lấy vợ ra ở riêng không quan tâm gì tới gia đình nữa.

 

Một mình cụ Mong nuôi 4 người con câm nhưng số phận vẫn tiếp tục đày ải cụ. Năm 2005, một lần đi làm nương về, do không nhìn thấy đường, cụ bị trượt ngã gãy chân, cuộc sống khó khăn nay càng khó khăn hơn khi các con cụ không có ai dẫn đi làm. Cụ Mong nhớ lại những ngày cụ nằm trị thương ở nhà: “Chúng nó không biết làm gì cả, bảo gì cũng không làm, bảo giặt quần áo cũng không giặt, bảo nhiều thì chúng chạy vào rừng, thân già lại ốm đau không đi tìm được. Nhiều lúc tôi dọa buộc chúng nó vào gốc cây trong rừng cho thú dữ ăn thịt cũng không nghe”.
 
Mù lòa, tuổi cao sức yếu nhưng gánh nặng của cụ Mong vẫn đè nặng trên hai vai


Mù lòa, tuổi cao sức yếu nhưng gánh nặng của cụ Mong vẫn đè nặng trên hai vai

Mù lòa, tuổi cao sức yếu nhưng gánh nặng của cụ Mong vẫn đè nặng trên hai vai

 

Bốn người con câm của cụ chỉ có duy nhất anh Sâu là lập gia đình. Cụ Mong cho biết, vợ anh Sâu tên là Lý Thị Ngưu, cũng bị câm. Ngày hỏi vợ cho Sâu, cụ phải đi bộ hết cả ngày đường, đi tay không mà hỏi vợ cho con. Vui vì con có gia đình nhưng thêm một người câm, cuộc sống càng cơ cực trăm bề. 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào một sào ruộng, một hecta đất đồi nhưng không canh tác được cùng khoản tiền phụ cấp người khuyết tật ít ỏi hàng tháng.

 

Gia đình cụ quanh năm chỉ ăn ngô, ăn sắn, rau rừng, có khi cả năm không có lấy một bữa thịt. Vào vụ cấy cụ Mong phải mua chịu phân lân, đạm. Đến mùa gặt họ vào thu thóc, trả xong phần nợ, thóc trong bồ chỉ ăn vài tháng đã hết sạch, chính vì thế mà chưa vụ nào gia đình cụ đủ ăn. Những người con của cụ Mong ngớ ngẩn không biết đến cả thời gian. Có hôm cụ không đi theo làm, cả mấy đứa con đi làm từ sáng đến tối mịt mà vẫn chưa biết tìm đường về nhà. Cụ mò lên nương gọi thì thấy mỗi đứa chạy về từ một phía.

 

Cuộc sống bất hạnh của gia đình cụ Mong không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Ngôi nhà toàn người tật nguyền và ngớ ngẩn ấy khiến ai đã lạc vào không thể thanh thản mà đi ra!

 

Hà Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm