Mẹ đơn thân "bỏ phố về rừng", thuê đất làm xưởng chế biến nông sản ở Đà Lạt
(Dân trí) - Tay trắng lên Đà Lạt lập nghiệp sau ly hôn, chị Nga đánh liều mượn tiền bạn bè và vay lãi ngoài để thuê mảnh đất 300m2, mở xưởng chế biến các mặt hàng nông sản.
Mong muốn có không gian sống thanh bình giúp giải tỏa tâm trạng cũng như thỏa mãn niềm đam mê theo đuổi các giá trị truyền thống, tháng 9/2018, hậu ly hôn, chị Trịnh Thị Hải Nga (40 tuổi) cùng con gái 4 tuổi từ Vũng Tàu lên Đà Lạt lập nghiệp với số vốn vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng.
Vốn có năng khiếu về ẩm thực lại từng kinh doanh quán ăn, tự đứng bếp, chị đánh liều mượn tiền bạn bè, vay lãi ngoài để thuê mảnh đất 300m2, mở xưởng chế biến nông sản.
"Mình từng có thời gian làm trong lĩnh vực du lịch và bán online rau củ quả tươi từ Đà Lạt.
Thấy các mặt hàng nông sản tươi thường bị hư hỏng, giảm chất lượng qua quá trình vận chuyển và bảo quản nên mình mày mò tìm hiểu, nghiên cứu mảng sấy khô.
Và khi chuyển đến Đà Lạt sinh sống, mình cũng quyết định theo đuổi luôn công việc chế biến nông sản này, vừa thỏa mãn đam mê, vừa kiếm thêm thu nhập", chị Nga nói.
Để đảm bảo chất lượng trong mọi công đoạn, chị tự làm tất cả các việc, từ tìm vườn, tìm đất, liên hệ nhà cung cấp cho đến mua sắm trang thiết bị, máy móc,...
Mùa nào thức nấy, bà mẹ 2 con chủ động tới tận vườn của người địa phương để thu mua nguyên liệu và thuê nhân công theo thời vụ về chế biến nông sản bằng phương pháp thủ công.
Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn khi hạn chế về nguồn vốn, các sản phẩm làm thủ công, không chất bảo quản cũng bị hư hỏng nhiều, phải bỏ đi.
"Với tâm thế theo đuổi các giá trị truyền thống, đam mê đặc sản vùng miền và mong muốn giữ trọn vẹn hương vị của những món đặc sản đó nên mình chưa đặt lợi nhuận lên đầu.
Mình cũng làm thêm đủ các việc phụ để có kinh phí trang trải xưởng chế biến nông sản. Thời gian đầu rất khó khăn nhưng đây là con đường lâu dài nên mình kiên trì thực hiện và hy vọng vài năm sau các sản phẩm do chính mình làm ra sẽ nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng", bà mẹ 2 con chia sẻ.
Ban đầu, chị tập trung làm chủ yếu món hồng treo gió rồi tiến hành thử sức với nhiều nông sản khác nhau khi xưởng hoạt động ổn định hơn.
Hiện tại chị đang cung ứng hơn 20 sản phẩm chế biến hoàn toàn bằng phương pháp thủ công như các sản phẩm từ cây Atiso, bột cần tây, bột Kale (cải xoăn), cà phê, ca cao, hồng treo gió, khoai lang sấy mật ong, chuối Laba sấy dẻo, mứt gừng,...
Mùa nào thức nấy, mỗi mùa chị lại chế biến ra các mặt hàng nông sản khác nhau. Sau khi làm khô qua máy sấy công nghiệp, các sản phẩm được sao trên bếp củi để giữ được hương vị thơm ngon nhất.
Mỗi vụ, chị cung ứng được tầm 500kg trà túi lọc atiso và khoảng 300kg cà phê thành phẩm. Ngoài ra còn có 1,5 - 1,7 tấn hồng treo gió thành phẩm phơi gối đầu mỗi mùa và nhiều mặt hàng nông sản khác.
Để tiết kiệm chi phí, người phụ nữ này cũng tự mình đảm nhiệm nhiều công đoạn như thiết kế logo, viết quảng cáo, chụp ảnh sản phẩm rồi giao hàng, tư vấn cho người tiêu dùng,... Qua những bài chia sẻ trên trang cá nhân và một số nhóm mạng xã hội, nhiều người đã biết đến các mặt hàng nông sản của chị và tìm mua, ủng hộ.
Khi dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, xưởng chế biến nông sản của chị Nga cũng rơi vào tình cảnh khó khăn.
Sau gần 3 năm bươn chải lập nghiệp, tuy chưa thể trang trải khoản tiền vay mượn khắp nơi nhưng bà mẹ đơn thân này vẫn tràn đầy sự lạc quan và không ngừng cố gắng hoàn thiện các sản phẩm thủ công mang thương hiệu riêng.