Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ "chiêu" chăm vườn hồng ban công ngát hương

Hương Thảo

(Dân trí) - Mỗi sáng thức giấc, chị Thanh Ngọc (Thành phố Vinh, Nghệ An) đều mở cánh cửa để hít hà hương thơm dễ chịu từ khu vườn ban công.

Hoa dẻ vàng, hoa hồng tỏa hương trong nắng sớm khiến chị Ngọc thấy lòng thoải mái, tràn đầy năng lượng cho ngày mới. Khu vườn ban công được vợ chồng chị Ngọc thực hiện từ hơn 2 năm trước - khi xây dựng xong ngôi nhà.

Trong khi ông xã thích các loại cây xanh như tùng La Hán thì chị Ngọc lại mê mẩn hoa hồng. "Một lần, mình tới thăm nhà người bạn và tình cờ thấy những chậu hồng vừa đẹp vừa thơm. Mình thích thú muốn trồng thử xem sao. Không ngờ từ một cây, dần dần mình "nghiện hồng" nên mua hàng chục cây về trồng, chăm sóc", chị Ngọc chia sẻ.

Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 1
Vợ chồng chị Ngọc đều yêu cây xanh, hoa cỏ nên ngôi nhà luôn ngập sắc xanh.
Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 2
Hiện khu vườn ban công của chị đang có hơn 20 gốc hồng.
Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 3
Hoa hồng được trồng dọc theo ban công chữ L, bao quanh ngôi nhà.
Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 4
Buổi sáng,, chỉ cần mở cánh cửa, chị Ngọc có thể hít hà mùi hoa thơm ngát.

Ban đầu, chị Ngọc "tham lam" trồng hồng kín ban công. Nhưng sau một thời gian thấy việc xếp chậu chen chúc, kín lối đi có nhiều bất tiện, chị giảm bớt lượng hồng để chăm sóc tiện, không quá mất thời gian.

Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 5
Các giống hồng ngoại khoe sắc bên hoa giấy.
Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 6
Chị Ngọc chia sẻ kinh nghiệm: trồng hồng quan trọng nhất là giá thể. Phần giá thể phải tơi xốp, thoát nước tốt, đủ dinh dưỡng. Chị Ngọc thường trộn giá thể theo tỉ lệ: 40% đất thịt (đất phù sa, đất ruộng…); 30% mùn đã xử lý (xơ dừa, tro trấu, vỏ đỗ…), 10% cát sạch hoặc xỉ than giã nhỏ, 20% phân hữu cơ. Các thành phần này được trộn đều, kỹ. Chị lót dưới đáy chậu một lớp xỉ than để tránh bít lỗ thoát nước rồi mới đổ giá thể lên trên.
Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 7
Thông thường khoảng 6 tháng đến một năm, chị Ngọc thay giá thể một lần.

Khi cây mới trồng, chị Ngọc thường cắt hết hoa cũ để cây tập trung dưỡng chất thích nghi với chậu, tưới kích rễ và tránh để cây ở chỗ quá nắng. Khi cây ổn định, chị bón phân gà, dê hoặc phân vi lượng để giúp cây có sức khỏe; sau đó bổ sung phân ủ từ đậu tương.

Tùy từng giai đoạn mà chị bón loại phân và lượng phân phù hợp. "Khi cây vào giai đoạn nuôi mầm, nuôi nụ thì dịch chuối tưới gốc đều đặn hàng tuần. Thỉnh thoảng mình thái chuối nhỏ ra trộn vào đất. Cây muốn mầm to khỏe thì kali rất quan trọng", chị Ngọc chia sẻ.

Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 8
Mỗi tuần, chị Ngọc thường phun ngừa sâu bệnh một lần.

Những ngày ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, khu vườn là không gian lý tưởng để vợ chồng chị thư giãn, giảm bớt căng thẳng. Sáng sớm hay khi hoàng hôn, chị Ngọc thường ra vườn chụp ảnh. Các con lon ton theo mẹ ra vườn ngắm hoa, tưới cây, rất vui vẻ.

Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 9
Hình ảnh những chậu hồng rực rỡ khoe sắc của chị Ngọc khiến ai xem cũng thích mê.
Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 10
Chị thường đưa con ra vườn ngắm hoa, dạy con khám phá thiên nhiên.
Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 11
Chị Ngọc thường hái hoa để cắm, trang trí cho ngôi nhà.
Mẹ đảm Nghệ An tiết lộ chiêu chăm vườn hồng ban công ngát hương - 12
Hoa hái từ khu vườn tô điểm thêm cho không gian.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm