Mẹ đảm Đồng Nai 6 tháng ròng rã cải tạo mảnh đất cằn cỗi làm vườn xanh
(Dân trí) - Khu đất 100m2 ngập trũng, cằn cỗi vốn bị bỏ không nhiều năm của gia đình được chị Thu Trang "hô biến" thành vườn xanh mướt, trĩu rau củ và ngát hương hoa hồng.
Tận dụng thời gian sáng sớm trước khi đi làm và ngày cuối tuần, phải trải qua nửa năm trời ròng rã, chị Lê Thu Trang (30 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) mới có thể hoàn thiện việc cải tạo, lên luống, làm giàn cho khu vườn nhà 100m2. Khu vườn xanh mướt với đủ loại rau ăn lá, rau gia vị, các giàn bí, mướp, bầu trĩu trịt. Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn trồng sung Mỹ, dâu tây, lựu, xoài na và hơn 100 gốc hoa hồng.
"Mình yêu cỏ cây, hoa lá từ lâu nên luôn ấp ủ có một không gian vườn để thư giãn sau giờ làm việc, cũng như trồng rau sạch cho các con. Cuối năm 2019, mình quyết định cải tạo 100m2 đất của gia đình để làm vườn và trồng cây", chị Trang chia sẻ.
Khu đất của gia đình chị Trang ở khu vực trũng nên thường xuyên bị ngập. Lâu nay, gia đình bỏ không, không canh tác, cải tạo nên đất cằn cỗi. Khi làm vườn, chị phải đổ thêm xà bần để nâng mặt đất lên cao. Buổi sáng, chị Trang dậy từ sớm tinh mơ, cặm cụi ra vườn cuốc xới đất. Cuối tuần, hai vợ chồng ở ngoài vườn từ sáng tới chiều muộn.
"Vì đổ xà bần lên trên nên muốn cải tạo đất làm vườn, mình phải nhặt đá, cuốc xới thật kỹ. Lâu giờ mình chưa làm vườn, cuốc đất bao giờ nên cũng vất vả lắm nhưng mỗi ngày làm một chút nên quen dần. Hôm nào được nghỉ thì ông xã phụ giúp thêm", chị Trang kể.
Sau khi cuốc đất, cải tạo, chị Trang bắt đầu mua gạch và tỉ mỉ xếp thành đường đi. Hai vợ chồng chặt tre trong vườn nhà để làm giàn trồng cây dây leo. Cũng trong khoảng thời gian đó, chị dùng rác thải nhà bếp, ruột, đầu cá, trứng, đậu… để ủ phân hữu cơ. "Do chi phí có hạn nên hai vợ chồng dành thời gian tự làm. Không biết điều gì thì lên mạng học hỏi", chị Trang cho hay.
Sau khoảng nửa năm cải tạo, chị Trang bắt đầu gieo trồng. Thế nhưng, ròng rã 3 tháng tới, do thiếu kinh nghiệm, những cây rau của chị trồng mãi không lớn, cứ yếu ớt rồi khô héo, cà chua, bí, dưa thì chết dần chết mòn. Góc vườn này nằm trong một khu vườn gia đình rộng 3000m2 nên rất nhiều chuột sinh sống. Chị Trang trồng tới đâu, chuột đào xới, ăn sạch tới đó. Chị cặm cụi may màn che cho rau nhưng chuột cũng cắn rách hết. "Nhìn vườn rau tan hoang sau bao công chăm sóc, mình nản lòng, chẳng muốn trồng rau nữa", chị Trang thừa nhận.
Nhưng qua tìm hiểu, chị dần nhận ra, việc trồng rau xanh phải dựa theo thời tiết, mùa nào thức nấy. Chị một lần nữa gieo hạt khổ qua, mướp, bí xanh, mùng tơi… "Lần này do gặp trúng thời vụ nên cây lên mơn mởn, lá xanh, trái nhiều. Và mình cũng không hiểu sao, chuột không tấn công vườn nữa", chị Trang chia sẻ.
Vì trồng rau sạch cho gia đình sử dụng nên chị tự làm chế phẩm sinh học để phòng sâu bệnh như nước bồ hòn, dung dịch tỏi ớt, dầu neem. Đối với cây lâu năm hay hoa hồng, trong trường hợp bị sâu bệnh tấn công nặng chị mới sử dụng thêm một chút thuốc trừ sâu sinh học. "Mình cố gắng phòng bệnh để hạn chế tối đa việc dùng thuốc", chị Trang chia sẻ.
Mỗi ngày, ngoài thời gian làm việc và chăm sóc gia đình, chị Trang đều dành khoảng 1 giờ để chăm vườn rau, vườn hồng. Vợ chồng chị còn chăm sóc thêm thú cưng. Khu vườn xanh mướt với đàn thú cưng đáng yêu là không gian thư giãn của gia đình nhỏ. Hai con của chị Trang rất thích cùng mẹ ra vườn chăm rau, tưới nước, thu hoạch và chế biến món ăn.
"Cuộc sống của cả nhà vui vẻ, tích cực hơn rất nhiều. Mùa dịch vừa qua, gia đình mình cũng không còn lo phải ra chợ mua rau, nông sản mà hoàn toàn chủ động được", chị Trang cho hay.