Quảng Trị:

Mấy mươi năm “thèm” nước sạch

(Dân trí) - Chúng tôi về Hải Thành (Hải Lăng, Quảng Trị) vào những ngày cuối mùa nắng hạn. Đã có những cơn mưa đầu mùa nhưng vấn đề nước sạch vẫn là nỗi lo “nóng bỏng”. Hàng chục năm qua, người dân “khát” nước dù sống ngay vùng trũng, tâm điểm “rốn” lũ của Quảng Trị.

Nước sạch quý hơn vàng

 

Toàn xã Hải Thành có 553 hộ dân với gần 2.700 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 công trình nước sạch nhỏ đủ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 130 hộ dân.

 

Trong suy nghĩ của người dân Hải Thành suốt mấy chục năm nay, nước sạch luôn quý hơn vàng. Tất cả những nguồn nước tự nhiên ở Hải Thành đều không đủ tiêu chuẩn nước sạch nhưng người dân vẫn phải dùng vì không còn nguồn nước nào khác.

 

Nguồn nước ngầm tại Hải Thành luôn nhiễm phèn nặng hoặc nhiễm mặn. Theo các nhà địa chất học thì đó là do cấu tạo địa chất của Hải Thành xưa kia vốn là vùng sát biển được bồi lấp. Cứ đào sâu xuống khoảng 3-5m là có nước nhưng lại gặp các lớp mùn, rác rất dày, nước không thể dùng được. Đào xuống khoảng 8m thì nguồn nước bị nhiễm mặn và nhiễm phèn. Xuống sâu hơn, khoảng 15-20m nước lại càng mặn, càng phèn nhiều hơn. Theo Chủ tịch xã Vương Khánh Kim thì “đất ở Hải Thành dù có đào sâu xuống cả trăm mét vẫn cứ bị nhiễm phèn, nhiễm mặn”.
 
Mấy mươi năm “thèm” nước sạch - 1

Giếng xã - nguồn nước "khá" nhất ở Hải Thành.

 

Nước ngầm không dùng được, người dân Hải Thành phải quen với nếp sống phụ thuộc vào nguồn nước sông, hồ, đầm để phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, từ khoảng gần 20 năm trước, con sông Cựu Vĩnh Định chảy qua Hải Thành bị bồi lấp bởi phù sa, bị bèo rác phủ kín mặt sông. Dòng chảy của con sông này không lưu thông được và nước sông trở nên ô nhiễm nặng. Sông trở thành “sông đọng”, “sông không chảy” nên người Hải Thành mất đi một nguồn nước quan trọng nhất.

 

Không có nước sạch, dân Hải Thành “khát” nước hơn bất kỳ thứ gì khác. Họ “khát”  ngay trên vùng đất vốn có rất nhiều nước.

 

Hàng chục năm “khát” nước

 

Tình trạng “khát” nước ở Hải Thành vốn đã được báo động từ… 20 năm nay. Người dân phải tự tìm mọi cách để có nước dùng. Ai có tiền thì mua nước. Dân nghèo không có tiền thì đi xin nước ở các vùng lân cận.

 

Người dân ở đây vẫn thường xây bể lọc, lọc nước giếng rồi đem dùng. Nhưng không phải ai cũng có tiền để xây bể. Hơn 30% số hộ nghèo ở Hải Thành phải dùng các nguồn nước không đảm bảo như nước sông, hồ, ao đầm.

 

“Nước dù đã lọc nhưng vẫn còn ô nhiễm. Lọc xong thì cũng rất trong nhưng nấu sôi lên sẽ thấy có màu đỏ và đem nấu cơm sẽ có màu đen của than bùn đọng lại dưới đáy thành lớp. Ai cũng biết vậy nhưng bất đắc dĩ phải dùng bừa đi chứ biết làm sao được?”, ông Lý Sĩ Hiền (50 tuổi, ở xóm Nổ, thôn Trung Đơn) cho biết.

 

Mùa mưa đến, người Hải Thành dùng chum, vại hứng nước mưa, tích trữ dùng quanh năm.
 
Mấy mươi năm “thèm” nước sạch - 2
Cảnh những đoàn học sinh tranh thủ sau giờ học đi chở nước về dùng đã quá quen với người dân nơi đây.

 

Dân ở cả ba thôn Trung Đơn, Phước Điền và Kim Sanh đều phải dùng nguồn nước ở giếng xã. Nước giếng này khá trong và không có phèn nhưng lại có mùi Metan (CH4), múc về phải để 2-3 ngày cho bay mùi mới dùng được. Mùa nắng hạn cao điểm, giếng không đủ cung cấp nước cho dân. Nhiều hộ ở xa giếng phải cắt cử người đi lấy nước từ lúc 2-3 giờ sáng.

 

“Cái cảnh đi chở nước ở giếng xã về dùng đã quá bình thường với mọi người ở đây rồi”, anh Nguyễn Ngọc Vũ, cán bộ Văn phòng UBND xã tâm sự. Ngay cả UB xã, các trường tiểu học, trường mầm non ở Hải Thành lâu nay vẫn phải mua nước bình bán sẵn để dùng cho sinh hoạt, phục vụ khám chữa bệnh.

 

Nước sạch không có, đành phải dùng nguồn nước ô nhiễm. Các loại bệnh tật cũng từ đó phát sinh ngày một nhiều ở Hải Thành. Mấy năm gần đây, số người mắc các bệnh về đường ruột, dạ dày, gan, ung thư, bệnh phụ nữ ở Hải Thành tăng lên vùn vụt. Trẻ em thì bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng, ghẻ lở...

 

Không có nước sạch, cuộc sống của  người dân Hải Thành cứ mãi khốn khổ trong cái vòng luẩn quẩn “độc canh cây lúa - nghèo - thiếu nước sạch - bệnh tật - đói khổ”.

 

Chờ các công trình nước sạch

 

Cả xã Hải Thành chỉ có 3 công trình nước sạch phục vụ cho khoảng 130 hộ dân ở thôn Trung Đơn. Ông Nguyễn Văn Khánh, ủy viên thường vụ Đảng ủy xã Hải Thành cho biết: “Nói là công trình cho oai vậy thôi chứ thực ra đó là ba cái giếng khoan, lọc nước của Unicef tài trợ xây dựng cho dân từ năm 2004. Cả ba giếng khoan này đều đã xuống cấp và gần như không còn sử dụng được nữa rồi”.

 

Người dân và chính quyền địa phương đều rất mong muốn xây dựng các công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt nhưng xã nghèo, dân nghèo lấy đâu ra kinh phí xây dựng?

 

UBND xã Hải Thành đã rất nhiều lần làm đơn kiến nghị lên cấp trên về tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở địa phương. Trong các cuộc họp, cán bộ xã luôn ưu tiên đề xuất ý kiến với cấp trên để xin nước sạch về Hải Thành. Huyện Hải Lăng cũng đã có kế hoạch đưa nguồn nước sạch từ ttrấn Hải Lăng kéo về Hải Thành nhưng lại không có kinh phí.

 

Vậy là vẫn phải chờ!

 

Văn Được