1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ý kiến độc giả:

Mấy kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo

(Dân trí) - Trong các lần làm việc với cơ sở, Bộ trưởng đã đề nghị đội ngũ cán bộ, giáo viên hiến kế chấn hưng giáo dục. Đó là: Nói không với tiêu cực trong thi cử, chống căn bệnh thành tích trong thi đua, giảm tải... Theo tôi, Bộ trưởng đã bắt trúng bệnh. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là chữa trị những căn bệnh ấy như thế nào.

Hiện nay, tôi chưa thấy Bộ trưởng và các tham mưu của Bộ trưởng đưa ra một phương thuốc đặc hiệu nào. Thật tình, tôi rất lo các chủ trương trên chỉ được ở mức phong trào. Có thể nói công tác quản lý trong giáo dục đang bùng nhùng, ràng buộc, níu kéo lẫn nhau, khiến người muốn làm thật cũng không thể làm được, tạo điều kiện cho những kẻ xu nịnh thăng tiến, kiếm chác.

 

Để chứng minh cho nhận định trên, tôi đưa ra mấy vấn đề sau:

 

Đá bóng lấn sân

 

Vị trí của ngành GD&ĐT, hẹp hơn là các quan chức trong bộ máy giáo dục ở đâu trong bộ máy xã hội? Khó mà nói họ có toàn quyền và chịu trách nhiệm hoàn toàn trong công tác giáo dục. Một địa phương nào đó tiến bộ phổ cập chậm, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp, liệu ông Giám đốc sở, ông Trưởng phòng có yên không!

 

Cũng tương tự như vậy, các xã miền núi, muốn hoàn thành phổ cập có lẽ phải mười đến mười lăm năm nữa, nhưng huyện cứ ép hoàn thành trong 2 năm thì tính sao? Các ông hiệu trưởng sẽ trả lời như thế nào nếu "không hoàn thành nhiệm vụ". Căn bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử từ đấy mà ra.

 

Nguyên nhân từ đây mới khó trị, chứ nguyên nhân từ thái độ, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên chỉ cần toàn ngành hô quyết tâm là sẽ được.

 

Về việc quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên càng thấy tréo ngoe. Phòng Giáo dục làm chất lượng lại không có quyền cân đối giáo viên, bổ nhiệm hiệu trưởng cho hợp lý; phòng tổ chức cán bộ lại chịu trách nhiệm điều hành con người, dẫn đến việc ở trường này thừa tới 4 giáo viên toán, mà trường kia lại phải điều giáo viên văn sang dạy… toán.

 

Ai chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương đây? Không ai cả?

 

Quản lý theo cơ chế bao cấp

 

Trong nội bộ ngành cũng vậy. Chưa bao giờ hiệu trưởng (HT) có thực quyền điều hành công việc. Làm sao có thể quy trách nhiệm cho HT được khi mà họ không có quyền gì, ngoài quyền được làm theo lệnh. Đội ngũ giáo viên thì cấp trên "ấn" như thế nào về đành chịu vậy, thừa cũng "cấm cãi". Giáo viên muốn chuyển về trường "ngon" hơn chỉ cần "chạy" lên tổ chức cấp trên. Khi giáo viên không nhiệt tình với công việc, doạ cắt lương, cho chuyển trường, họ không sợ, bởi họ thừa biết HT không làm được điều ấy. Có người còn to hơn HT!

 

Giáo viên thì bị gò bó trong những khuôn mẫu cứng nhắc. Làm sao họ có thể dạy học sinh chủ động, sáng tạo được trong khi chính họ không được (và không chịu) chủ động, sáng tạo. Làm việc theo kiểu tối ngày đầy công.

 

Công tác thi đua theo kiểu khua chiêng gõ kẻng, toàn ngành theo một tiêu chí chung cứng nhắc, làm tốt không bằng báo cáo tốt, không sát thực tế, không động viên mọi người cùng cố gắng vươn lên...

 

Một bộ máy vận hành như vậy mà lại phải đáp ứng được các chỉ tiêu cao, thành tích tốt thì không có con đường nào khác là phải dạy dối, học dối, thi dối, khai khống thành tích.

 

Chống gian lận trong thi cử, chống bệnh thành tích phải bắt đầu từ thay đổi cơ chế quản lý mới mong có kết quả tốt. Không bắt đầu từ đây, chắc chắn mọi cố gắng chỉ là ném đá ao bèo.

 

Khó giảm tải là nhỡn tiền

 

Một vấn đề khác Bộ trưởng quan tâm là: học sinh có quá tải không? Ở mức độ nào? Từ góc nhìn của mình, tôi xin thưa: quá tải là có thật, ở mức độ nghiêm trọng!

 

Xin được dẫn chứng: ở cái lứa tuổi "học mà chơi, chơi mà học" mà học sinh phải học tối ngày, hai buổi ở trường, tối về còn phải học thêm, học như thế mà vẫn có học sinh ngồi "nhầm chỗ" thì rõ ràng tải trên vai các em quá nặng.

 

Có lẽ chưa học sinh nước nào học khổ như học sinh nước mình. Ấy thế mà mặt bằng giáo dục của ta vẫn đang nằm trong "vùng trũng" của giáo dục thế giới.

 

Vấn đề ở đây không phải là chương trình quá nặng, nếu có cũng không phải là vấn đề cơ bản. Điều làm tăng tải ở đây chính là cách quản lý thiếu hiệu quả của chúng ta. Cách đây mấy năm, khi chương tình thay sách bắt đầu, tôi đã có bài viết Quá tải, nhìn lại và đề phòng cảnh báo khả năng quá tải có thể xuất hiện trong chương trình SGK mới. Đến nay, chương trình thay sách chưa hết chu kỳ, chúng ta đã phải giảm tải.

 

Về định hướng, chủ chương chung trong lần thay SGK này là đúng đắn, nhưng cách thực hiện lại có vấn đề. Ở đây có lý do: Bộ nói một đường, làm một nẻo, cũng có lý do từ căn bệnh trên bảo dưới không nghe.

 

Lý do điển hình nhất khiến tải tăng đột biến là các loại sách bài tập và sách tham khảo. Chủ trương của Bộ là: đây không phải là tài liệu bắt buộc, các địa phương được phép vận dụng tùy điều kiện thực tế của mình. Đây là một điều thật vô lý. Khi Bộ đã đồng ý cho phát hành thì nó đã thành cứng (Bộ cơ mà!). Khi sách đã vào đến trường, đến tay học sinh rồi thì còn mềm làm sao được nữa.

 

Là những người rất sát với thực tế giảng dạy, chúng tôi thấy: hầu hết các bộ môn SGK đều thiết kế theo hướng tạo điều kiện cho học sinh chủ động tiếp cận kiến thức nhẹ nhàng, hiệu quả. Thế nhưng, khi học sinh phải "cõng" thêm quyển vở bài tập, thì công việc nặng lên gấp hai, ba lần mà hiệu quả vẫn không cao.

 

Có môn học phụ ở lớp 2, vở bài tập có đến 4 câu hỏi, mà theo chúng tôi, mỗi câu hỏi nặng không kém gì một bài học mới. Đó là chưa nói đến dạng bài tập bổ trợ nâng cao. Nói cách khác, chính vở bài tập đã phá hoại chủ trương: nhẹ nhàng, hiệu quả của SGK.

 

Bộ đã quản lý rất chặt SGK, nhưng lại không quản lý chặt các tài liệu phần mềm, khiến học sinh vừa khổ, vừa mất thêm tiền oan.

 

Từ tâm huyết của mình, xin được kiến nghị với Bộ trưởng mấy vấn đề trên. Rất mong báo Khuyến học & Dân trí cho đăng bài viết không xuôi chiều này, tôi xin cám ơn nhiều lắm! 

 

Minh Tuý

(Khối 6, Rừng Thông, Đông Sơn, Thanh Hoá)