1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nam:

Mấy chục năm qua cầu tạm xuống cấp

(Dân trí) - Chỉ với vài cọc xi măng, cột sắt, một ít tre, gỗ, dây thép buộc… người dân thôn Cát Tường, xã An Mỹ, huyện Bình Lục, đã có một chiếc cầu dài khoảng 40m bắc qua sông Sắt để đi lại hàng chục năm nay. Cầu thì ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng người dân vẫn phải đánh liều đi qua.

Thôn Cát Tường, xã An Mỹ, là nơi ghi dấu Bác Hồ về thăm tỉnh Hà Nam động viên nhân dân đắp đập chống hạn vào năm 1958. Sau khi hệ thống thủy lợi nội đồng kết hợp giao thông nông thôn của thôn của địa phương đã dần được hoàn chỉnh, bảo đảm chủ động nguồn nước tưới, tiêu cho diện tích gieo cấy và để đảm bảo giao thương đường thủy, cùng năm 1958 chính quyền địa phương đã phá bỏ con đập để thuận tiện cho tàu bè lưu thông.

Đồng thời, để người dân trong thôn đi lại và thuận tiện cho hoạt động sản xuất, chính quyền địa phương đã cho xây dựng cây cầu bắc qua sông Sắt đúng vị trí của con đập cũ. Thời điểm này, do kinh phí không có nên chính quyền và người dân đã vận dụng tất cả vật tư có thể để dựng lên cây cầu đơn sơ tạm bợ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Cây cầu tạm này được xây dựng từ năm 1958, sau 50 năm cầu đã xuống cấp nghiêm trọng
Cây cầu tạm này được xây dựng từ năm 1958, sau 50 năm cầu đã xuống cấp nghiêm trọng

Khoảng 50 năm sau, cây cầu tạm già cỗi này vẫn còn và đang ngày một xuống cấp trầm trọng. Cây cầu dân sinh này có chiều dài khoảng 40m, thành cầu không có lan can, toàn bộ mặt cầu đều được ghép từ những miếng gỗ, qua thời gian đều đã mục nát, nhiều chỗ sàn gỗ rơi xuống sông để lại khoảng trống trên cầu, các trụ cột bằng bê tông đã vỡ vụn, trụ còn bằng sắt đều đã hoen gỉ, đoạn mặt cầu nhiều chỗ đã vặn nghiêng về một bên...

Mặc dù biết là nguy hiểm, nhưng vì muốn rút ngắn một đoạn đường, nên người dân vẫn đánh cược tính mạng của mình băng qua cây cầu xuống cấp trong nỗi sợ hãi, bất an.

Nhiều đoạn gỗ mục nát tạo thành lỗ hổng trên cầu
Nhiều đoạn gỗ mục nát tạo thành lỗ hổng trên cầu

Theo người dân địa phương, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra khi người dân lưu thông qua cầu. Cách đây khoảng 2 năm, một cháu bé 15 tuổi đi xe đạp qua đây đã bị ngã xuống sông và không may chết đuối.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ cho biết: Cầu dân sinh Cát Tường trước đây do UBND xã quản lý. Sau đó, giao lại cho người dân trong thôn thầu thu vé. Tuy nhiên, nguồn thu được không đáng kể nên người dân cũng không thầu nữa. Không có kinh phí, chính quyền địa phương cũng đành nhìn cây cầu ngày một xuống cấp.

Chỉ bằng một ít gỗ, tre, dây thép buộc sơ sài người dân nơi đây đã có một cây cầu
Chỉ bằng một ít gỗ, tre, dây thép buộc sơ sài người dân nơi đây đã có một cây cầu

Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu, nguy cơ gây mất an toàn đối với người dân khi qua lại mới đây, ngày 28/6/2018, UBND huyện Bình Lục đã có văn bản số 387 gửi UBND xã An Mỹ về việc cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Cát Tường.

Theo văn bản này, hiện nay cầu dân sinh Cát Tường thuộc thôn Cát Tường, xã An Mỹ, bắc qua sông Sắt đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ tai nạn giao thông cao. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, UBND huyện Bình Lục yêu cầu UBND xã An Mỹ thông báo cho nhân dân cấm các phương tiện qua cầu, đồng thời lắp đặt biển báo cấm phương tiện qua cầu. Nếu xảy ra tai nạn đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên cầu chủ tịch UBND xã hoàn toàn chịu trách nhiệm.


Ngày 28/6/2018, UBND huyện Bình Lục có văn bản gửi UBND xã An Mỹ về việc cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Cát Tường

Ngày 28/6/2018, UBND huyện Bình Lục có văn bản gửi UBND xã An Mỹ về việc cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Cát Tường

Người dân Cát Tường hi vọng cây cầu sớm được cơ quan chức năng quan tâm, tu sửa lại để đảm bảo an toàn, để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Minh Tuyến