1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mấy chục năm “liều chết” với bom mìn

(Dân trí) - Trong giới “đi tìm thần chết” (rà phá bom mìn) ở Gia Lai, không ai không biết ông A Nun (60 tuổi, người dân tộc J’rai, thôn Breng, xã Biển Hồ, TP Pleiku). Người đàn ông có biệt danh “vua cụt tháo bom mìn” ấy giờ đang đau đớn trong nghiệt ngã.

No ấm từ… bom mìn

 

Mấy chục năm “liều chết” với bom mìn - 1
“Vua phá bom mìn” trong những ngày chán chường của cuộc sống.
 
Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng hiểm họa nó để lại trên mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên vẫn âm ỉ, gây nên những cái chết tang thương, những tai nạn thảm khốc.
 
Ông A Nun là một người đã phải chịu tai ương như vậy. Năm 15 tuổi, ông trở thành nạn nhân của chiến tranh. Trong một lần đi chăn bò, ông vô tình dẫm phải một loại đạn pháo khiến bàn chân trái của ông bị đứt cụt. Cứ tưởng đó là lời cảnh báo nhắc ông phải tránh xa thứ hiểm họa giết người này, nhưng không, bom mìn đã “ám” lấy ông trong những tháng ngày mưu sinh sau này.
 
Hơn chục năm sau, trong những chuyến mưu sinh nơi rừng núi, ông luôn được “mục sở thị” những pha cưa bom, tháo mìn của những người thợ mưu sinh từ nghề này. Thấy lợi nhuận khá, không đắn đo suy nghĩ, ông mang những “chiêu” cưa, tháo bom mìn mình học lỏm được của nhiều người để hành nghề mưu sinh.
 
Khắp mảnh đất Tây Nguyên này, vào những năm 2000 trở về trước, nơi nào mà chẳng có bom mìn, pháo đạn… của quân thù găm lại. Có chỗ các loại đạn pháo 175 li, 155 li, 105 li hay đạn cối 60 mili, cối 83 mili, cối cá nhân M79… dày đặc như sỏi đá. Gặp loại nào ông “xử” loại đấy. Không cần biết nguyên lý của nó như thế nào, ông chỉ vận dụng được những gì mình học lỏm được, quả hình thù này mình thấy người ta cưa như thế nào, quả kia người ta đục ra sao… cứ thế mà phá bom.
 
Cứ như vậy, tay nghề của ông ngày càng nâng cao, kinh nghiệm cũng đầy mình. Có ngày ông tháo được gần 1.000 quả cối cá nhân M79, còn bom bi hay các loại phức tạp hơn thì chỉ vài tiếng đồng hồ ông đã xử lý xong, thuốc đi đằng thuốc, vỏ đi đằng vỏ. Dần dần tiếng tăm của ông nổi như cồn trong giới tháo bom, rà mìn ở Gia Lai - Kon Tum. Có nhiều người tìm được bom lớn lại chở đến chỗ ông nhờ tháo, lợi nhuận... chia đôi.
 
Cứ như vậy, trong suốt hơn 20 năm hành nghề tháo bom mìn, ông đã không còn nhớ nổi mình phá hủy được bao nhiêu thứ vũ khí giết người của chiến tranh để lại. Chỉ biết rằng suốt mấy mươi năm đó, vợ và 3 đứa con ông có cuộc sống no ấm.
 

Nghiệt ngã cũng từ bom mìn

 
Rồi cái gì đến cũng đến, cách đây gần 2 năm, trong một lần phát hiện quả cối 83 mili - một loại vũ khí rất nguy hiểm mà lần đầu tiên ông gặp. Chẳng cần suy nghĩ nhiều, ông điềm nhiên mang đồ nghề ra xử lý. Sau khi tháo được kíp nổ, ông lấy đục đục vào vào vỏ đạn để lấy thuốc bên trong ra. Trong quá trình đục, ông đã tạo nên áp suất lớn, phát lửa, quả cối nổ tung. Cánh tay trái và chân trái của ông đã vĩnh viễn lìa khỏi cơ thể.
 
Mãi đến sau này ông mới “học” được cách tháo loại cối này thực sự: nguyên lý của “thần chết” cối 83 mili này là tốc độ cháy của nó tỷ lệ thuận với áp suất bên trong, áp suất càng cao thì tốc độ cháy càng nhanh. Nhưng bài học đó đến với ông quá muộn.
 
Gần 2 năm nay, kể từ sau tai nạn đáng tiếc trên, cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác. Từ một người được phong là “vua phá bom mìn”, từ người đàn ông trụ cột gia đình, ông trở thành thất nghiệp. Mọi gánh nặng gia đình lại đổ dồn lên vai người vợ vốn từ trước tới nay không phải lo toan gì. Ba đứa con ông, đứa lớn nhất 14 tuổi đã phải nghỉ học đi mưu sinh, đứa nhì 12 tuổi và đứa út 9 tuổi một buổi đi học, một buổi đi kiếm tiền giúp ba.
 
Nằm một chỗ, chứng kiến cảnh các con mịt mù tương lai vì bom mìn, ông đau buồn lắm. Tưởng nhờ bom mìn mà khấm khá, đâu ngờ có ngày hôm nay. Giá như cuộc sống đừng khốn khó đến thế!
 

Thiên Thư