Máu và nước mắt chảy theo vàng
Trước vụ sạt lở núi kinh hoàng vùi lấp 13 nạn nhân tại khu vực Nước Vin, tai hoạ sập hầm vàng đã từng xảy ra tại Sũng Mùn (huyện Phú Ninh) làm sáu người thiệt mạng, vụ 18 nạn nhân suýt mất mạng vì bị cô lập giữa sông Nước Mỹ (huyện Nam Giang)...
Máu và nước mắt của những người khai thác vàng sa khoáng trái phép đang chảy trên khắp núi rừng Quảng Nam.
Những nỗi đau vì vàng sa khoáng
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm xác các nạn nhân bị chôn vùi tại khu vực Nước Vin đêm 5/11.
Người dân xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh vẫn còn bàng hoàng khi kể lại cảnh tượng hãi hùng trong vụ sạt lở núi tại Sũng Mùn vào ngày 13/10/2008. Hàng ngàn mét khối đất đá theo nước mưa tràn xuống, san bằng khu lán trại và vùi lấp sáu người dân trong xã đang mót vàng tại đây.
Vụ tai nạn này đã cướp đi sinh mạng của hai anh em ruột là Huỳnh Văn Xin (SN 1982) và Huỳnh Văn Liêm (SN 1993), cùng trú tại thôn Trung Sơn và vợ chồng Nguyễn Thanh Dũng, Huỳnh Thị Tình cùng đứa con trai là Nguyễn Thanh Trung (SN 1994) và Nguyễn Chánh Việt (SN 1982), trú tại thôn Đàn Thượng, xã Tam Lãnh.
Sáng ngày 9/9/2009, sau khi được máy bay trực thăng cứu hộ của Quân khu 5 đưa vào bờ an toàn, 18 nạn nhân bị kẹt lũ giữa sông Nước Mỹ đã oà khóc vì biết mình còn sống. Họ là những người dân nghèo tứ xứ đến đây để kiếm sống bằng nghề đào đãi vàng sa khoáng. Sau ba ngày hai đêm bị cô lập, phải bấu víu trên cái cây lớn giữa dòng sông lũ, nhiều người tuyệt vọng chuẩn bị buông tay thì được cứu sống bằng... trực thăng.
Hoàng Văn Tùng (quê ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) có hai người thân bị chết do sạt lở núi kinh hoàng tại khu vực Nước Vin (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My). Khi các lực lượng tìm kiếm cứu hộ đưa được xác vợ và người em lên khỏi đống đất đá nhầy nhụa, Tùng gào khóc thảm thiết: “Vì mưu sinh mà vợ và đứa em mới theo tôi vào đây đào vàng. Giờ thì tất cả đều chết rồi”. Chiều ngày 5/11, sau khi dìu vợ và em qua sông Nước Vin, Tùng quay lại vác lương thực thì nước sông dâng cao đột ngột, bị kẹt lại nên Tùng thoát nạn!
Vợ chồng Đỗ Hùng Linh và Trương Thị Anh cùng người em là Trương Văn Dũng và đứa cháu Võ Minh Vương cùng quê xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, đang làm trang trại tại khu vực Nước Vin, bị chết thảm cũng do nạn đào đãi vàng sa khoáng trái phép. Theo ông Nguyễn Thành Vân, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, nếu khu vực núi phía trên trang trại của gia đình này không bị đào đãi vàng làm rỗng ruột thì tai hoạ sạt lở núi không xảy ra, hàng ngàn mét khối đất đá không thể trôi hơn 300m xuống vùi lấp cả bốn người.
Vợ chồng Dũng, Tình chết trong vụ sạt lở núi vùi lấp lán trại vàng ở Sũng Mùn, để lại ba đứa con nhỏ là Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1991), Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1995, học lớp 8) và Nguyễn Thành Đạt (SN 1997, học lớp 6) và người mẹ già năm nay đã 65 tuổi. Huỳnh Thị Hương (SN 1984, trú thôn Đàn Thượng, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh), vợ của nạn nhân Nguyễn Chánh Việt, nức nở khóc: “Vợ chồng tôi mới cưới được hơn nửa tháng, vì muốn có tiền lo cho gia đình mà anh ấy vĩnh viễn ra đi...”. Sống trên mảnh đất có mỏ vàng Bồng Miêu nổi tiếng, nhưng không ít người dân nghèo xã Tam Lãnh đã bỏ mạng vì vàng sa khoáng...
Khó ngăn chặn nạn đào đãi vàng
Ông Ch’rum Nhiên, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết tại khu vực 18 nạn nhân bị kẹt giữa dòng sông lũ, phải cứu hộ bằng trực thăng, lũ lớn năm 1999 đã từng cuốn trôi mất tích 15 người đi đào vàng trái phép. Ông Ch’rum Nhiên nói: “Những nạn nhân được giải cứu bằng trực thăng chính là những người đào đãi vàng trái phép mà địa phương đã đẩy đuổi trước đó vài ngày. Sau khi lực lượng chức năng rút đi, họ quay trở lại làm vàng, lũ lên cao đột ngột nên mới bị mắc kẹt”.
Theo ông Huỳnh Tấn Sâm, Bí thư huyện uỷ Bắc Trà My, trước khi vụ tai nạn xảy ra tại Nước Vin, địa phương đã tổ chức đẩy đuổi người đào đãi vàng trái phép ra khỏi khu vực này. “Nếu không có đợt tổ chức đẩy đuổi nhiều người ra khỏi khu vực Nước Vin, thì khi núi sạt lở sẽ có rất nhiều nạn nhân bị chết”.
Trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn 13 nạn nhân tại khe Nước Vin, ông Lê Phước Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định sẽ kiên quyết đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép để tránh tái diễn các vụ tai nạn thương tâm. Cũng theo ông Lê Phước Thanh, tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương có vàng sa khoáng tích cực ngăn chặn nạn khai thác trái phép nhưng sau khi lực lượng rút đi thì người dân lại tái phạm.
Theo Hoàng Lan Nhi
Sài Gòn tiếp thị