1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Máu thợ hồ đổ trên những công trường

(Dân trí) - Người mẹ khắc khổ cứ trực lao vào hiện trường ôm xác con. Bà gào khóc cầu xin được sớm đưa đứa con trai mới 18 tuổi về quê an táng. Máu lại đổ trên công trường do tai nạn lao động!

Máu thợ hồ đổ trên những công trường - 1

Hiện trường vụ tai nạn lao động làm anh Quảng thiệt mạng
 
Vụ tai nạn lao động xảy ra vào 10 giờ ngày 30/10/2009, tại công trình xây dựng số 145, đường Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM làm anh Nguyễn Văn Quảng (18 tuổi, quê Bạc Liêu) rơi từ tầng 8 xuống đất, tử vong tại chỗ đã gây ra sự đau xót tột cùng của gia đình nạn nhân.

 

Vào thời  điểm trên, anh Quảng cùng một công nhân khác đang đứng ở tầng 8 của công trình để đón vữa từ ròng rọc phía dưới đất chuyển lên. Trong lúc cúi móc chiếc xô thả xuống phía dưới, anh Quảng đã trượt chân rơi tự do từ độ cao khoảng 30m xuống đất.

 

Cái chết của anh Quảng vẫn chưa hết ám ảnh với những người phụ hồ thì một vụ tai nạn lao động khác lại xảy ra. Nạn nhân lần này là công nhân Vũ Hồng Tươi (30 tuổi, quê Hưng Yên). 

 

Vào trưa ngày 1/1/2010, trong lúc các công nhân đang cuộn lưới bao ở tầng 16 công trình dự án xây dựng cao ốc Bảo Gia (phường 15, quận 11, TPHCM. Dự án do Công ty TNHH Kiến Gia thi công, Công ty cổ phần Bảo Gia làm chủ đầu tư) thì giàn giáo bất ngờ bị nghiêng. Anh Tươi rơi tự do từ tầng 16, tử vong tại chỗ.

 

Theo một nguồn tin Dân trí nắm được, trước đó khoảng 3 tuần, cũng tại công trình này đã xảy ra một vụ tai nạn lao động khác. Một công nhân bị điện giật chết trên sân thượng công trình. Tuy nhiên, cho đến nay, đơn vị thi công và chủ đầu tư công trình vẫn chưa hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân vụ việc. 

 

Dù việc xảy ra tai nạn lao động gây chết người xảy ra như “cơm bữa” và những mối nguy hiểm vẫn hàng ngày rình rập những người thợ hồ nhưng đặc tính nghề nghiệp vẫn khiến họ phải chấp nhận hiểm nguy. Để kiếm sống, họ chấp nhận phải đổ mồ hôi, thậm chí đổ máu hoặc đánh đổi chính mạng sống của mình.

 

Trong số ấy không hiếm những người phụ nữ. Chị Vũ Thị Thanh (quê Vĩnh Long) đang làm phụ hồ cho một công trình tại quận 1, tâm sự: “Công việc phụ hồ cũng khá nặng nhọc, tai nạn luôn rình rập xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi làm từ sáng đến tối, có khi còn tăng ca để kịp tiến độ nên cũng đuối nhưng nghĩ đến 2 đứa con ăn học nên phải cố gắng làm”.
 
Máu thợ hồ đổ trên những công trường - 2
Mong manh ranh giới giữa sự sống và cái chết.

 

Đa phần những người làm thợ hồ đều xuất thân từ nhà nông, kinh tế khó khăn, không có trình độ, chỉ biết bán sức lao động mong kiếm chút tiền cho vợ đi chợ, cho con đóng học, cho mẹ già mua thuốc. Nhưng nhiều người đã đi mà không có ngày về hoặc về với những thương tật suốt đời.

 

Theo thống kê từ Liên đoàn Lao động TPHCM, 8 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 70 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 71 người chết, 18 người bị thương. Đặc biệt trong những tháng cuối năm, số vụ tai nạn lao động xảy ra có chiều hướng gia tăng báo động. Chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm, có ít nhất 5 vụ công nhân rơi xuống từ các cao ốc đang xây dựng và  tử vong, chủ yếu ở địa bàn trung tâm thành phố.

 

Trao đổi với ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Chánh Thanh tra Sở lao động Thương binh và Xã hội TPHCM - ông Việt cho biết, qua quá trình kiểm tra giám sát, hầu như công trình nào cũng có lỗi vi phạm và bị phạt hành chính nhưng biện pháp chế tài hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Tình trạng tai nạn xảy ra ở cao ốc văn phòng là đáng báo động. Phía Sở cũng mong muốn các cơ quan chức năng liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tốt hơn nữa về an toàn cho người lao động.

 

Trung Kiên