1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hơn 100 giáo viên tố cáo tiêu cực:

Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã vào cuộc

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng loạt bài “Hơn 100 cán bộ giảng viên tố cáo tiêu cực”, xảy ra tại trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội, thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chính thức giao cho Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (thuộc UBTƯ MTTQ) nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết.

Dân trí đã có buổi làm việc với Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, xung quanh thông tin này.

Thưa ông, lý do vì sao UBTƯ MTTQ Việt Nam quyết định tham gia xử lý vụ việc này?

UBTƯ MTTQ từ nhiều năm nay rất quan tâm tới vấn đề dân chủ và pháp luật, đó là vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần tôn trọng pháp luật của người dân.

Khi có vụ việc 123 cán bộ giảng viên trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội tố cáo tiêu cực, các đồng chí trong Ban thường trực nhận thấy có liên quan mật thiết đến vấn đề dân chủ và thi hành pháp luật nhưng lại kéo trong một thời gian dài.

Thứ hai, đối tượng liên quan đều là những nhà giáo, giảng viên đại học, nhà khoa học tại một trường ĐH hàng đầu của quốc gia. Trong khi đó, vụ việc lại diễn ra ngay tại Thủ đô Hà Nội, đầu não chính trị của cả nước nên vấn đề càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật là đơn vị tư vấn cho UBTƯ, đoàn Chủ  tịch Mặt trận nên đương nhiên là tổ chức có đủ tư cách tham gia giải quyết vụ việc trên.

Được biết ngày 30/5 vừa qua, MTTQ tổ chức cuộc làm việc giữa Ban Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội và Ban lãnh đạo trường ĐHQG Hà Nội xung quanh vụ việc này. Mục đích của cuộc làm việc này là gì?

Chúng tôi muốn có đầy đủ thông tin từ những bên có liên quan. Cụ thể, chúng tôi muốn biết quan điểm của ĐHQG Hà Nội thế nào và họ nhìn nhận trách nhiệm về vấn đề này đến đâu. Bên cạnh đó, cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị giao đất cho ĐHQG là UBND TP Hà Nội ra sao?

Kết quả của buổi làm việc đó như thế nào, thưa ông?

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật đã mời lãnh đạo các đơn vị trên tới tham gia buổi làm việc nhưng rất tiếc, về phía UBND TP Hà Nội chỉ có đồng chí Phó Chánh Văn phòng tới dự, về phía ĐHQG Hà Nội cũng chỉ có đồng chí Phó trưởng Ban Thanh tra nên tính chất cuộc gặp gỡ chỉ là cung cấp thông tin và trao đổi ý kiến.

Trong cuộc trao đổi này, có thể khẳng định việc thành phố cấp hai khu đất ở Cống Vị và Dịch Vọng Hậu là theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, vấn đề xử lý hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nhà trường.

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là sau khi cấp đất thì thành phố có theo dõi xem họ có thực hiện đúng quyết định hay không? Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2005 đã có văn bản yêu cầu phía trường ĐHQG báo cáo việc sử dụng hai khu đất như thế nào nhưng đến giờ vẫn chưa thấy hồi âm.

Thế nhưng, kể từ cuộc gặp trên (30/5), chúng tôi chưa nhận được phản hồi nào từ phía trường ĐHQG Hà Nội và chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu nhà trường phải trả lời gấp theo đúng luật khiếu nại tố cáo.

Chúng tôi khẳng định trường ĐHQG Hà Nội có trách nhiệm giải quyết vấn đề này theo đúng lộ trình của luật khiếu nại tố cáo và cần sớm cho biết cách giải quyết cụ thể để chúng tôi thực hiện quyền giám sát. Nếu thấy chưa thoả đáng, chúng tôi sẽ đặt vấn đề với Chính phủ vì đây là đơn vị quản lý trực tiếp của trường ĐHQG.

Theo tôi được biết, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt lại ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xem xét và báo cáo với Phó Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Về vấn đề này Ban Thanh tra Chính Phủ khẳng định họ đang theo dõi rất sát vấn đề này và hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với MTTQ để giải quyết theo đúng lộ trình. Nghĩa là, nếu như ĐHQG Hà Nội thừa nhận trách nhiệm và có cách giải quyết rồi thì thôi.

Trong trường hợp nhà trường không thừa nhận trách nhiệm, không xử lý vấn đề và phía 123 cán bộ giảng viên nhà trường vẫn tiếp tục khiếu kiện thì Ban Thanh tra Chính phủ sẽ vào cuộc và làm rõ.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng đến nay trường ĐHQG Hà Nội vẫn chưa có động thái nào thừa nhận trách nhiệm. Có lẽ họ đang có lúng túng về vấn đề này.

Thưa ông, ba vấn đề lớn mà tập thể 123 cán bộ giảng viên kia mong muốn là làm rõ trách nhiệm cụ thể của trường ĐHQG Hà Nội, nếu có thì trách nhiệm đến đâu và hướng xử lý thế nào?

Cần khẳng định rằng, trong một Nhà nước pháp quyền, thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm về tất cả hoạt động của đơn vị, tổ chức của mình.

Trở lại vụ việc trên, lãnh đạo trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội là nơi có trách nhiệm giải quyết đầu tiên. MTTQ không phải là nơi trực tiếp giải quyết khiếu nại tố cáo. Nếu trường ĐHQG Hà Nội thấy rõ trách nhiệm của mình, đơn vị này phải xử lý theo đúng quy định hiện hành về nhà ở.

Tuy nhiên, cần phải nói rằng, vụ việc trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và giải quyết một vấn đề từ những hệ luỵ của thời kỳ bao cấp là rất khó. Sau Hiến pháp sửa đổi năm 1992, vấn đề cấp nhà ở là không còn nữa nhưng thực tế là sau năm 1994 vẫn tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan.

Mà vụ việc này xảy ra trước năm 1994, những người có liên quan chủ yếu là những người thuộc diện về trường trước năm 1989 nên những người này vẫn có quyền yêu cầu về nhà ở và nhà trường có trách nhiệm phải bố trí sắp xếp chỗ ở cho họ.

Nhóm PVĐT