1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mất tích bí ẩn trên Phan Si Păng

Sau khi chinh phục đỉnh Phan Si Păng, sinh viên Phạm Ngọc Ánh đã mất tích trên đường trở về. Dù đã huy động hàng trăm công an, kiểm lâm và người dân địa phương tìm kiếm nhưng chàng sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp vẫn bặt vô âm tín.

Chúng tôi tìm đến gia đình Phạm Ngọc Ánh (SN 1993) tại thôn Trung, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội khi rất nhiều người thân và họ hàng của chàng sinh viên này đang mất ăn, mất ngủ sau 2 tuần anh mất tích. Trong khi đó, suốt nhiều ngày qua, ông Ninh Anh Vũ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai), cũng đã dẫn đầu lực lượng tìm kiếm lên đến hàng trăm người lần mò dấu tích của Ánh.

 

Thích khám phá, mạo hiểm

 

Theo bạn bè và người thân, Ánh là một thanh niên thông minh và khá lãng tử. Thi đỗ khoa trang trí nội ngoại thất, chuyên ngành hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Ánh đã chứng tỏ năng khiếu của mình. Với tính hiền lành, Ánh dễ gây thiện cảm với mọi người. Việc anh mất tích hơn 10 ngày nay đã khiến nhiều người lo lắng.

 

Sinh viên Phạm Ngọc Ánh. (Ảnh do gia đình cung cấp).
Sinh viên Phạm Ngọc Ánh. (Ảnh do gia đình cung cấp).

 

Theo bà Đỗ Phương Nhung (mẹ của Ánh), con trai bà là người “ít nói và chững chạc hơn so với bạn bè cùng trang lứa”. Bà Nhung cho biết: “Ánh chưa bao giờ đi chơi qua đêm mà không gọi điện về nhà. Cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, Ánh thích du lịch vùng núi cao, ưa khám phá, mạo hiểm nhưng trước mỗi chuyến đi, đều xin phép gia đình”. Trước khi chinh phục Phan Si Păng ít ngày, Ánh và bạn cùng lớp đi chơi tại Khu Du lịch Mai Châu (tỉnh Hòa Bình).

 

Theo bà Nhung, Ánh đồng ý chinh phục đỉnh Phan Si Păng sau khi được người anh họ là Đỗ Thanh Sang rủ đi. Sau đó, Ánh cùng 4 người khác lên tàu Hà Nội - Lào Cai vào tối 7/7.

 

Anh Sang cho biết sau khi chinh phục đỉnh Phan Si Păng, cả nhóm cùng xuống núi theo đường đi lúc xuất phát từ Trạm Tôn. Đây là đường lên Phan Si Păng tương đối thuận lợi hơn so với những tuyến khác nên thường được những người lần đầu chinh phục đỉnh núi này lựa chọn. Đến trạm nghỉ chân ở mốc 2.800 m, khi cả nhóm đang ngồi nghỉ mệt, Ánh nói với bạn đồng hành là sẽ xuống trước.

 

Sau khi xuống núi, cả nhóm đã chờ suốt đêm 9/7 nhưng không thấy Ánh. Đến ngày 11/7, không thấy con trai gọi điện thoại về, gia đình đã báo tin với cơ quan công an và kiểm lâm địa phương về việc Ánh mất tích. Ngay hôm sau, Trạm Kiểm lâm Trạm Tôn và gia đình Ánh bắt đầu cuộc tìm kiếm.

 

Tìm kiếm đến cùng

 

Sau 2 ngày không nhận được tin con, ông Phạm Ngọc Hải đã dự cảm những chuyện chẳng lành nên lập tức lên huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai để nhờ các cơ quan chức năng giúp đỡ, tìm kiếm Ánh. Sau đó, đích thân ông Ninh Anh Vũ đã chỉ đạo lực lượng gần 50 kiểm lâm viên tham gia tìm kiếm. Hiện nay, lực lượng này đã tăng lên gần 100 người.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động hôm qua (24/7), ông Vũ cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường lực lượng để tìm kiếm Ánh nhưng đến nay, đã là ngày thứ 12 mà vẫn chưa tìm được tung tích nạn nhân”. Theo ông Vũ, ngoài lực lượng công an và kiểm lâm, gia đình Ánh còn thuê thêm nhiều người dân tộc bản địa có kinh nghiệm đi rừng, biết nhiều đường ngang, lối tắt hỗ trợ tìm kiếm. “Kỳ lạ là lực lượng kiểm lâm và người đi rừng cùng khẳng định đã lùng sục tất cả những điểm trên đường leo núi của Ánh nhưng vẫn không tìm ra dấu vết nạn nhân” - ông Vũ băn khoăn.

 

Theo anh Thào A Phình, một người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm đi rừng, vào thời điểm này, rất ít người lên đỉnh Phan Si Păng bởi mùa mưa, đường trơn. Theo phân tích của nhiều người, Ánh đã vượt chặng đường khó khăn và hiểm trở nhất từ đỉnh Phan Si Păng xuống trạm nghỉ 2.800 m. Chặng còn lại từ trạm này xuống núi lại không quá hiểm trở nên khả năng Ánh đi lạc là rất thấp.

 

Ông Vũ khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm đến cùng”. Thậm chí, theo ông Vũ, lực lượng kiểm lâm tìm kiếm cả đoạn từ trạm dừng chân ngược lên đỉnh núi và không bỏ sót bất cứ dốc, vực hiểm trở nào mà những người leo núi có thể trượt ngã.

 

Theo một kiểm lâm viên thường xuyên túc trực tại trạm dừng chân 2.800 m, trước đây, cũng có vài người leo núi đi lạc vào rừng nhưng lâu nhất cũng không quá 2 ngày. Trường hợp mất tích hơn 10 ngày như Ánh là chưa từng xảy ra.

 

Bạn bè muốn tham gia tìm kiếm

 

Ông Nguyễn Hữu Vị, Trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cho biết qua các kênh thông tin khác nhau, nhà trường đang theo sát diễn biến của công cuộc tìm kiếm Ánh. Hiện tại, nhiều người đang muốn thành lập thêm nhóm tìm kiếm sinh viên này.

 

Theo Mạnh Duy
 Người lao động