Hải Phòng:
“Mắt thần” trăm tuổi quật cường giữa đảo đá Long Châu
(Dân trí) - Sừng sững giữa biển trời Cát Bà (Hải Phòng) suốt hơn một thế kỷ, chịu đựng hàng ngàn tấn bom đạn của giặc thù, ngọn hải đăng cổ xưa và lớn nhất Việt Nam vẫn là “mắt thần” ngạo nghễ dẫn đường giữa đảo đá Long Châu.
Gian nan đời đá, ngạo nghễ đời đèn
Nhiều giờ đồng hồ dong thuyền vượt biển, chúng tôi đến đảo đá Long Châu khi mặt trời đã rọi nắng chói chang xua tan mây mù bủa vây giăng mắc trên đảo. Giữa sóng nước biển khơi mênh mông, đảo đá đứng sừng sững giữa một màu xanh ngăn ngắt với từng đàn chim biển vờn quanh.
Rộng vẻn vẹn khoảng 1 km2, đảo Long Châu toàn đá tai mèo xám xịt nhọn hoắt vút cao giữa biển trời thăm thẳm. Khó ai có thể nghĩ được rằng trên hòn đảo đá cằn khô, khắc nghiệt lại có những con người đang cần mẫn làm việc một cách lặng lẽ. Trên đảo, lúc nhiều nhất cũng chỉ có khoảng chục người. Mười người đàn ông chia nhau vừa canh cho ngọn hải đăng Long Châu sáng đèn đỏ lửa vừa tuần tra, kiểm soát biên phòng đảm bảo an ninh từ tuyến tiền tiêu của tổ quốc.
Ngọn hải đăng Long Châu, “mắt thần” của biển là niềm tự hào và là động lực để những người lính gác đèn hy sinh tuổi xuân trên đảo đá.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, quê thị trấn Quất Lâm - Giao Thủy (Nam Định), 43 tuổi, trải qua 4 trạm đèn biển trước khi chính thức về trực gác ngọn hải đăng Long Châu vào năm 2004. Dẫn chúng tôi leo đủ 131 bậc thang gỗ xoáy trôn ốc lên đỉnh ngọn hải đăng, anh Hùng chỉ tay về phía biển. Quần đảo Long Châu với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ nằm quần tụ lại vây quanh đảo chính Long Châu như thể những tấm khiên đá bảo vệ ngọn đèn biển tỏa sáng.
Cả quần đảo đều được cấu tạo từ 100% đá tai mèo trơ xám. Anh Hùng bảo vì thuần núi đá nên ở đây khắc nghiệt nhất là không có nước ngọt, cây cối cũng khó sống. Họa hoằn lắm có một vài cây cỏ cựa mình len đá trồi lên. Những cây cỏ ấy sau khi gồng mình, vận hết nội lực chắt chiu sinh khí của đá mà sống đều trở thành những cây thuốc quý.
Nước là sự khát khao, là tài sản vô giá của các chiến sĩ đảo đèn. Chỉ có vào mùa mưa, lượng nước mới tạm đủ. Cán bộ chiến sĩ trên đảo phải tìm mọi cách để trữ nước. Đến mùa khô, hàng ngày mỗi người lính trên đảo phải thay nhau cuốc bộ hàng giờ đồng hồ vượt dốc xuống bến tàu mua nước của bà con dân chài. Nước quý như vậy, nên mọi người phải tái sử dụng đến nhiều lần trước khi mang tưới rau xanh.
Dẫn chúng tôi khám phá từng ngóc ngách của ngọn hải đăng Long Châu, anh Hùng tự hào giới thiệu ngay từ lúc được người Pháp xây dựng vào năm 1894 đến nay, gần 120 năm đã trôi qua, nhưng chưa một đêm nào những ngọn đèn này ngừng chiếu dù cuộc sống sinh tồn khắc nghiệt, trải qua mấy cuộc chiến tranh, cả nghìn tấn bom rơi đạn nổ, bởi bất cứ người lính đèn nào khi ra đảo nhận nhiệm vụ đều hiểu rằng hải đăng Long Châu là vô cùng quan trọng với cảng biển Bắc Bộ.
Ngọn hải đăng là một kiến trúc hình vòm độc đáo với những ô kính cường lực bao xung quanh. Ở đúng tâm của căn phòng là tổ hợp các chóa đèn phẳng, to như tấm phản với chi chít những bóng đèn nhỏ, được gọi tim đèn. Từ xa nhìn lại, ngọn đèn sừng sững như tháp bút khổng lồ viết lên trời xanh, cao 109,5 m và chiếu sáng xa tới 27 hải lý, rất đẹp nên được dân biển gọi là mắt ngọc Long Châu. Những ngày trời quang mây tạnh, tàu biển cách xa Long Châu tới 50 km vẫn nhìn thấy ánh sáng phát ra từ đảo.
Quật cường lính đảo và những chiến công thầm lặng
Anh Hùng cho biết, những người gác đèn như anh đều thuộc biên chế của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (Hải Phòng). Trên đảo thường chỉ có 10 người, 6 người điều hành ngọn hải đăng còn 4 của trạm Biên phòng Long Châu. Tất cả mọi người đều vì một mục đích là làm sao cho ngọn đèn không bao giờ tắt, biển đảo quê hương luôn yên bình.
Với những người lính đèn mới đến nhận nhiệm vụ tại đảo đá Long Châu, nỗi kinh hoàng nhất là rắn. Rắn có ở khắp mọi nơi. Rắn đủ các loại, nhiều vô số mà phần nhiều là rắn độc. Rắn chui trong chăn, rắn ngủ với người và rắn thậm chí làm tổ trong chiếc giày của các cán bộ chiến sĩ trên đảo. “Nhiều cậu ban đầu kinh khiếp, tái hết mặt mũi khi thấy rắn treo lủng lẳng ngay trên đầu, hay chui cả vào quần áo. Nhưng giờ quen rồi thì mọi người sống hòa bình với rắn”, anh Hùng đùa vui.
Ngoài rắn thì sấm sét trên đảo cũng là nỗi khiếp sợ. Vào mùa mưa, sét kéo đến rầm rập, xé toạc cả bầu trời trước, trong và sau mỗi trận mưa. Những tia sét từ giữa trời kéo xuống đâm sâu cả vào đá. “Có lẽ, trong đá có nhiều sắt nên sấm sét mới dữ dội như vậy. Nhưng ngay cả đến bom đạn kẻ thù còn chưa làm lung lạc được ý chí của người lính đảo, nói gì đến rắn và sấm sét”, anh Hùng khảng khái nói.
Trên đảo hiện còn ngôi mộ của liệt sĩ Cao Quang Viên được an nghỉ ở vị trí hết sức trang trọng, đầu hướng ra biển Đông, mặt quay thẳng vào chân tháp. Liệt sĩ Viên là cán bộ của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, được cử ra điều hành đèn biển Long Châu vào những năm giặc Mỹ đánh phá Vịnh Bắc Bộ. Trong thời gian chiến tranh, hải đăng Long Châu cùng hải đăng Hòn Dáu đóng vai trò tối quan trọng khi dẫn tuyến cho hàng loạt chuyến tàu 0 số vận tải vũ khí và hàng hóa vào tiền tuyến miền Nam.
Với vai trò huyết mạch như vậy, giặc Mỹ đã điên cuồng bắn phá và trút xuống hai địa điểm trên hàng nghìn tấn bom đạn. Để chống trả lại, liệt sĩ Viên và các cán bộ chiến sĩ nơi đây thành lập tổ tự vệ, quyết tâm sống chết bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như sự sáng liền mạch của ngọn hải đăng. Trong một trận càn vào năm 1967, khi thấy ngọn đèn bị bắn hỏng, liệt sĩ Viên đã xung phong trèo lên đỉnh tháp để sửa chữa. Đúng lúc đèn vừa sáng lại, anh cũng bị trúng đạn và mãi mãi ra đi ở tuổi 20.
Vết tích của chiến tranh vẫn còn hằn rõ trên bức tường đá phía đông thân đèn với vết đạn rộng cả mét vuông. Những vết tích ấy như một lời nhắc nhở các chiến sĩ canh đảo luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển trời Tổ quốc.
Anh Thế - Quốc Đô