Mất Tết vì rượu
Hai giờ sáng, chị Hương, vợ anh Tuấn, biên tập viên một tờ báo tại quận 3, TPHCM giật mình khi nghe điện thoại réo. “Em tới bệnh viện đi. Anh bị ngã gãy chân rồi”, chồng chị khẽ nói. Mấy hôm nay, anh đi liên hoan tất niên suốt, nửa đêm mới về, người nồng nặc mùi rượu.
Thế là điều chị lo lắng nhất đã xảy ra. Ngày giáp Tết, xe cộ đông đúc, anh nhậu say lại về trễ, tối nào chị cũng sốt ruột như ngồi trên đống lửa. Đêm đó, chị thức chờ cửa mãi vẫn không thấy chồng về nên đi nằm. Vừa thiu thiu thì chuông điện thoại réo vang. Nghe xong, chị tất tả chạy vào bệnh viện. Nếu anh không say xỉn thì sự va chạm nhẹ đó chắc không làm anh ngã và bị thương nặng như vậy. Chị Hương vừa thương, vừa giận chồng.
Ăn Tết trong bệnh viện
Năm trước, Hải Đăng, công nhân công ty Xây dựng Hoàng Long, TPHCM cũng phải ăn Tết trong bệnh viện. Nhóm Đăng có thông lệ họp mặt cuối năm ở nhà một người bạn, uống vài ly chờ giao thừa, sau đó chạy vòng vòng ngoài phố ngắm thiên hạ du Xuân. Có rượu trong người, lại chạy nhanh, Đăng đâm vào cột đèn. Tỉnh dậy trong bệnh viện, chân bó bột, khắp người xây xát nhưng anh vẫn mừng khi biết mình... chưa chết. “Sau lần đó, mỗi khi trong người có rượu, tôi không bao giờ dám chạy xe ra đường. Sợ lắm rồi”, Đăng nói.
Anh Trương Trọng Tiến, điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, cho biết, những ngày giáp Tết, khoa cấp cứu tiếp nhận từ 140 đến 160 bệnh nhân mỗi ngày, tăng 20% - 30% so với ngày thường. Đáng lưu ý là các ca có nguyên nhân từ rượu bia ngày nào cũng có, từ tai nạn giao thông do uống nhiều rồi chạy xe, tới tranh cãi, đánh nhau gây thương tích. Thậm chí, có trường hợp, nạn nhân đi nhậu về, xung đột với gia đình rồi tự đả thương mình.
Xả láng rồi... rước họa
Nhiều người có suy nghĩ: Cả năm làm việc vất vả, cuối năm phải bù lại nên tổ chức rồi tham gia hết tiệc lớn đến tiệc nhỏ. Huy, đang làm việc tại Khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM là một ví dụ tiêu biểu. Ngày thường, thỉnh thoảng gặp bạn bè, Huy chỉ uống vài ly cho vui. Nhưng cuối năm, lĩnh lương, lại có tiền thưởng kha khá, anh mời “chiến hữu” đến một quán sang trọng dự tất niên và tuyên bố: “Hôm nay chơi xả láng, ai thích uống gì cứ gọi”. Kết quả là, toàn bộ tiền lương, tiền thưởng của anh bay đi theo hơi rượu nồng.
Uống rượu như trường hợp của Nguyên, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại quận 7, TPHCM, cũng thật đáng sợ. Phụ trách kinh doanh của công ty, những ngày nghỉ, Nguyên có thể nhậu từ sáng tới chiều. Mấy ngày cuối năm, lịch nhậu của anh càng dày đặc. Mới đây, vợ anh đã bỏ về nhà mẹ ruột ăn Tết vì “hết chịu nổi con ma men”.
Thế nhưng, những ngày này, mỗi khi mọi người họp mặt, tiệc tùng, bạn bè của Nam ở một công ty tư vấn bảo hiểm ở TPHCM chẳng thấy tăm hơi anh chàng đâu. Lần nào gọi Nam, họ đều nhận được câu trả lời: “Mình bận lắm...”. Thùy Quyên, cô bạn gái trước đây rất thích Nam, ấm ức kể: Năm ngoái, sau tiệc tất niên của công ty, cả phòng kéo nhau đi hát karaoke rồi vui “tăng hai” đến 1 giờ sáng. Tàn tiệc, Nam là người còn “tỉnh nhất trong số những người say” nên được giao nhiệm vụ đưa bạn của một chị làm chung phòng về nhà. Không biết “anh em” tính toán thế nào mà nhà không về, lại chui vào khách sạn. Ít lâu sau, đồng nghiệp nhận được thiệp mời đám cưới của Nam mới tá hỏa. Có lẽ vì vậy nên bây giờ, cứ nghe tiệc tất niên là anh trốn.
Chuyện bi hài về “hậu tất niên” còn rất nhiều. Chuyên viên tư vấn Nguyễn Hữu Long, tổng đài 1080, cho rằng, tiệc cuối năm là dịp để mọi người quây quần ôn chuyện cũ và mừng năm mới đến. Việc uống vài ly cho vui trở thành thông lệ nhưng nếu không biết dừng lại đúng chỗ thì lắm khi tiệc vui trở thành tiệc buồn, thậm chí để lại hậu quả đáng tiếc.
Theo Người Lao Động