1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mất hành lý trên máy bay: Chờ được vạ má đã sưng

Theo thống kê của đội tìm kiếm hành lý thất lạc thuộc Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất và phòng dịch vụ và khai thác mặt đất Hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines (PA), gần như tháng nào cũng xảy ra mất hành lý gửi theo máy bay tuyến từ Hà Nội vào TPHCM.

Bản thân phó tổng giám đốc của Hãng hàng không VN Airlines (VNA) Phạm Ngọc Minh khi đi từ Hà Nội vào TPHCM cũng vài lần bị mất đồ đạc và máy ảnh khi để trong hành lý ký gửi. Nhiều trường hợp hành khách để nhiều vật dụng có giá trị cao trong hành lý ký gửi, có khóa hoặc khóa số nhưng vẫn bị mất đành ngậm đắng nuốt cay vì không biết kiện ai.

Một mất mười ngờ

Cân ký để đền bù

Trên thực tế người chịu thiệt vẫn là hành khách vì khi bị mất đồ trong hành lý, các hãng hàng không chỉ căn cứ vào trọng lượng và tính theo ký (200.000 đồng/kg) chứ không tính theo giá trị hàng hóa đã mất.

Khi máy ảnh, máy vi tính và những tài sản có giá trị khác được đền bù theo trọng lượng thì hành khách coi như... mất trắng. Như trường hợp ông Reese, do thiệt hại về vật chất quá lớn (mất bốn máy tính xách tay) nên PA “linh động” hỗ trợ ông hai vé khứ hồi chặng TPHCM - Hà Nội thay vì đền bù 13kg hàng hóa mất theo qui định với số tiền vỏn vẹn chỉ 2,6 triệu đồng...

Ngày 11/6/2007, phòng dịch vụ và khai thác mặt đất của PA nhận được đơn của hành khách Trần Ánh Sáng (Q.Tân Bình, TPHCM) trình bày về việc mất máy tính xách tay hiệu Compaq, bộ sạc pin, dây USB, dây tai nghe điện thoại Nokia N72 trong hành lý gửi của chuyến bay BL 805 ngày 8/6 từ Hà Nội về TPHCM.

Theo bà Sáng, tất cả đồ đạc đều để trong vali có khóa số và gửi theo chuyến bay, khi nhận lại hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn thấy các chốt khóa không bị bật ra nhưng khi về nhà mở ra mới phát hiện đồ đạc bên trong đã bị mất.

Trước đó, bà Phan Thị Nguyên Thảo bay từ Hà Nội vào TPHCM cũng trình báo tình trạng hành lý ký gửi của mình bị bới móc, khóa vali bị phá hỏng, mất một máy tính xách tay hiệu HP NC6000 màu đen.

“Đau” hơn là vị khách người Mỹ tên Douglass Reese trên chuyến bay BL 805 (ngày 23/10/2006) của PA. Ông mang theo tám máy tính xách tay hiệu Dell Inspiron và đã bị mất bốn máy. Theo tường trình của ông Reese, do mang nhiều hành lý nên ông trả phí cho hành lý quá trọng lượng. Khi đã vào bên trong, ông Reese được yêu cầu đến máy kiểm tra an ninh mở hành lý.

Trong mỗi vali của ông có bốn hộp cactông bọc hai máy tính, nhân viên an ninh đã yêu cầu ông mở một hộp và khởi động máy tính để kiểm tra. Sau đó nhân viên an ninh mở sổ ghi toàn bộ sự việc và yêu cầu ông Reese ký xác nhận. Khi nhận hành lý ở sân bay Tân Sơn Nhất ông Reese thấy một vali quá nhẹ, mở ra thì phát hiện bốn máy tính ở hành lý này đã... không còn.

Trách nhiệm của ai?

Kiến nghị cơ quan điều tra vào cuộc

Tổng giám đốc PA Lương Hoài Nam cho biết qua hàng loạt vụ việc mất cắp hành lý, hàng hóa của hành khách, PA đã rà soát toàn bộ quá trình tìm kiếm theo qui trình hàng không, yêu cầu các bộ phận liên quan tường trình lại sự việc, làm việc với trung tâm an ninh hàng không tại các sân bay để yêu cầu hỗ trợ.

Tuy nhiên đến nay hầu như không thể tìm được hành lý, hàng hóa đã mất. PA cũng đã có công văn đề nghị Cục An ninh kinh tế (A17) Bộ Công an hỗ trợ điều tra việc mất mát hành lý trong quá trình vận chuyển của hãng này.

Cho dù ở sân bay nào, khi hoàn thành thủ tục lên máy bay, hành lý gửi theo chuyến của hành khách sẽ theo băng chuyền ngay sau quầy làm thủ tục đi thẳng qua máy soi an ninh của sân bay. Hàng hóa sau đó sẽ đi qua băng chuyền chính rồi chạy xuống khu tập kết được gọi là “đảo”, nhân viên tại đây sẽ phân loại hành lý ký gửi theo hãng hàng không, tuyến bay nội địa hay quốc tế, sau đó hàng hóa sẽ được để lên vị trí tập kết và chờ đưa ra máy bay. 30 phút trước giờ bay, hành lý sẽ được chuyển ra máy bay bằng xe và nhân viên phục vụ mặt đất chất hàng lên hầm máy bay.

Khi đến nơi, hành lý sẽ được chuyển từ máy bay xuống xe và đưa thẳng vào băng chuyền của nhà ga. Qui trình nhận hành lý ở sân bay, hành khách hoàn toàn có thể quan sát.

Trong văn bản gửi các hãng hàng không, giám đốc Trung tâm an ninh hàng không Cụm Cảng hàng không miền Bắc Vũ Đức Huân cho biết không có dấu hiệu khả nghi nào xác định việc mất tài sản trong hành lý gửi, vì trung tâm đã bố trí nhân viên an ninh chốt chặn ở hai vị trí: khu vực đầu băng chuyền (sau khi hành lý ký gửi hoàn tất thủ tục hàng không) và khu vực cuối băng chuyền (phân loại hành lý ký gửi).

Toàn bộ khu vực băng chuyền hoàn toàn khép kín, cửa cuốn luôn khóa, chỉ mở khi có hoạt động bay. Mọi đối tượng, đồ vật mang lên, xuống đều được kiểm tra giám sát chặt chẽ bằng hệ thống camera 24/24 giờ, nhân viên an ninh theo dõi và ghi vào sổ trực. Nhưng thực tế nhiều hành khách vẫn báo cáo với các hãng hàng không về trường hợp mất đồ đạc để trong hành lý ký gửi theo chuyến bay.

Các hãng hàng không thì cho rằng chịu trách nhiệm trong các trường hợp này là khá phức tạp, vì có rất nhiều cơ quan liên quan trong việc bảo quản và vận chuyển hành lý, và sau khi hành khách đã làm thủ tục ký gửi hành lý thì trách nhiệm đã được các nhân viên an ninh của sân bay giám sát.

Theo phó tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh, đây là một vấn đề khá phức tạp, không chỉ VNA mà nhiều hãng hàng không khác đều vướng phải.

Theo Lê Nam
Báo Tuổi trẻ