1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở ngoại thành Hà Nội: 100 bé gái / 140 bé trai

Thống kê của Chi cục Dân số - KHHGD Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2014 có những huyện, thị xã ngoại thành có tỉ lệ giới tính khi sinh bé gái/bé trai chênh lệch lên tới 100/130 - 140…

…Báo Lao Động đã tới huyện Ba Vì (Hà Nội) - nơi có tỉ lệ mất cân bằng giới tính (MCBGT) chưa phải cao nhất của thủ đô, nhưng đã thấy rất nhiều điều đáng buồn.

Bé trai luôn nhiều
hơn bé gái ở các lớp học mầm non. Ảnh: Hải Nguyễn
Bé trai luôn nhiều hơn bé gái ở các lớp học mầm non. Ảnh: Hải Nguyễn

Sinh con trai quá nhiều so với con gái, tình trạng này đã dẫn đến mất cân bằng giới tính. Các chuyên gia cảnh báo trong 15 – 20 năm nữa, sẽ có rất nhiều nam giới khó lấy vợ, đồng thời gia tăng nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, tảo hôn... Thế nhưng, chẳng phải chờ đến ngày xa xôi đó, hậu quả của nỗi khao khát con trai đã hiện hữu ngay hôm nay.

Suýt mất mạng vì "khát" con trai

Chị Phùng Thị Đức (thôn Khuật, xã Vật Lại, Ba Vì) năm nay 38 tuổi, nhưng đã có 5 đứa con gái. Lần thứ 6, chị sang huyện Quốc Oai cách nhà hơn 20km để soi trứng. Cứ 2 ngày, anh Triệu Văn Phương - chồng chị - liên tục ăn giá và trứng gà so trước 1 tháng. Lần thứ 7 thì chồng chị sang Phú Thọ tiêm đủ 7 mũi thuốc, rồi cũng theo thực đơn 2 ngày 1 lần ăn giá và thịt bò để tăng chất lượng "tinh binh" theo lời hướng dẫn. Rút cuộc, anh chị vẫn không thành công. Thậm chí, lần phá thai thứ 2 ở phòng khám sản khoa tư nhân hồi cuối tháng 12 năm ngoái đã khiến chị suýt chết. Thế nhưng chị vẫn quyết tâm sẽ mang thai lần thứ 8, chỉ với hy vọng mong manh “có được con trai”. Gia đình nhà nội, ngoại không gây sức ép gì. Chồng chị thì lửng lơ “có cũng được, không có cũng được”. Thế nhưng, mấy chị em họ nhà ngoại lại xui chị phải bằng mọi giá có con trai, kẻo mai này đến lúc chị không đẻ được nữa, chồng đi lấy vợ hai thì “ngồi mà khóc”.

Ngôi nhà 3 gian của chị Đức tuềnh toàng, tài sản có giá trị duy nhất chỉ là chiếc tivi màu 16 inch của TQ mới mua được năm ngoái. Trước đó, tụi trẻ chỉ có chiếc tivi đen trắng ông ngoại cho. Tiền học cho 4 cô con gái lớn khi thiếu, khi hụt, phải đi vay. Gia đình chị nhiều năm là hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã. Anh Phương đi xây thỉnh thoảng mới về, 6 mẹ con nheo nhóc, ai nhìn cũng xót xa cho lũ trẻ ngây thơ.

Dân biết, nhưng làm ngơ

Từ 5 - 7 năm nay, khi TP.Hà Nội bắt đầu báo động về MCBGT thì tỉ lệ con trai/con gái lúc mới sinh ở huyện Ba Vì cũng luôn dao động trong khoảng 114 - 119/100. Quan sát nhiều năm ở tất cả 31 xã/thị trấn của huyện, BS Lê Minh Tân - GĐ Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Ba Vì - cho biết: “Tâm lý mong muốn có con trai nối dõi vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của những người dân, đặc biệt là những gia đình làm nông nghiệp”. BS Tân cũng đã nhận thấy, trong làng nơi ông sinh sống, những thanh niên 18 - 20 tuổi yếu thế hơn, như nhỏ bé về vóc dáng hoặc học vấn thấp, kinh tế khó khăn đã khó tìm bạn gái hoặc vợ hơn. Ở thời của tôi, thì họ không phải quá lo lắng, nhưng thời này thì khác rồi”.

Ngày hè, chỉ một phần các cháu ở nhà trẻ thị trấn Tây Đằng đến lớp học. Dù ở độ tuổi nào, trong các lớp học, quân số trẻ trai luôn áp đảo trẻ gái. Chị Trang - cô giáo ở nhà trẻ - cho biết, trung bình mỗi lớp có khoảng 30 - 35 cháu thì trẻ trai luôn khoảng 20 - 22 cháu. Từ 5 năm nay, các cô giáo trong trường cũng đã nói đến chuyện này và chuẩn bị phương án để thích ứng. Bởi quản lý lớp học nhiều trẻ trai sẽ vất vả hơn, nên thường phải thêm 1 cô cho mỗi lớp học so với trước.

Chị Phùng Thị Mai Hương - cán bộ chuyên trách dân số của xã Vật Lại - cũng nói về khó khăn khi nói với người dân về vấn đề này: “Người dân biết về chuyện đang đẻ nhiều con trai hơn con gái, biết là sau này con mình sẽ khó lấy vợ hơn và những hậu quả khác. Vì chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều qua các kênh, trên báo đài cũng nói. Nhưng nhiều người mặc kệ, họ nói mình sinh được thì nuôi được, sau này tính tiếp. Với đà này, chỉ với vận động tuyên truyền mà không có chế tài, e rằng khó có thể cải thiện được tình hình”. Ông Nguyễn Đình Lân - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, tỉ số giới tính khi sinh ở Hà Nội tăng lên 1,5% so với năm 2013, tức là tăng lên 117/100. Đặc biệt ở một số quận/huyện, tỉ số giới tính khi sinh tăng đến mức rất đáng báo động, thậm chí có thể lọt vào tốp những địa phương MCBGT cao nhất cả nước như huyện Đan Phượng 139/100, Phúc Thọ 134/100, Sóc Sơn 133/100, Mỹ Đức 129/100, thị xã Sơn Tây 140/100... Sự gia tăng tỉ số giới tính khi sinh còn có nguyên nhân do chế tài xử phạt các hình thức lựa chọn giới tính trước sinh chưa đủ sức răn đe, lãnh đạo chính quyền các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt.

10 tỉnh có mức chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất: Quảng Bình 129,6/100; Bắc Ninh 122,1/100; Hải Dương 121,4/100; Nam Định 119,8/100; Hưng Yên 119,6/100; Bắc Giang 118,5/100; Phú Thọ 116,2/100; Hòa Bình 115,9/100; Thanh Hóa 115,5/100; Vĩnh Phúc 115,4/100. (Nguồn: Tổng cục DS-KHHGĐ, năm 2013).

Quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi: Ở Việt Nam, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức, thái độ và hành vi của người dân, thì cũng đã đưa ra các quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.- Nghiêm cấm các hành vi: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: Tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi. Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: Xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào; siêu âm,... Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác; nghiên cứu hoặc áp dụng phương pháp nhân tạo để tạo nên giới tính thai nhi theo mong muốn; Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; Phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

                                                                                                                                                                                                              Minh Tâm 

Theo Quang Duy – Diệu Linh

Lao động