1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mạo danh báo Khuyến học & Dân trí đi giải quyết tranh chấp

(Dân trí) - Để giải quyết tranh chấp trong việc may đồng phục cho học sinh giữa trường mầm non và cơ sở may, một phụ nữ đã mạo danh phóng viên báo Khuyến học & Dân trí để đứng ra “dàn xếp” vụ việc.

Ngày 16/9, công an phường Hiệp Thành, Q.12, TPHCM đã mời người phụ nữ tên Phạm Thị Lệ Quyên (31 tuổi, hộ khẩu thường trú tại 15A/26, khu phố 3B, P.Thạnh Lộc, Q.12, TPHCM) về trụ sở công an phường làm việc để làm rõ nhân thân của người phụ nữ này. 
 
Theo trình bày của anh Phạm Tuấn Kha - người phụ trách chung nhóm lớp mầm non tư thục BaBy ( P.Hiệp Thành, Q.12) thì khoảng 11 giờ ngày 16/9, một phụ nữ đến cơ sở và tự xưng là nhà báo đến tìm hiểu thông tin viết bài. “Nữ nhà báo” này đi cùng với đại diện của cơ sở nhận may đồng phục học sinh cho Mầm non Baby.
 
Mạo danh báo Khuyến học & Dân trí đi giải quyết tranh chấp - 1
Phóng viên báo Dân trí phối hợp với cơ quan công an làm rõ sự việc.
 
Trước đó, trường mầm non tư thục BaBy có đặt tại một cơ sở may mặc may 1.000 áo đồng phục học sinh với giá 25 triệu đồng. Sau đó, cho rằng áo không đạt chất lượng (bị phụ huynh trả lại) nên đại điện trường mầm non BaBy không chịu nhận hết số áo và chưa quyết toán. Cơ sở may đã làm đơn kiến nghị lên các ban ngành phường Hiệp Thành để giải quyết.
 
Anh Kha cho biết, “nữ nhà báo” tên Quyên xưng là phóng viên phụ trách mảng giáo dục mầm non các quận huyện của báo Khuyến học & Dân trí, được cử đi xác minh vụ việc. Thế nhưng, những câu hỏi trong quá trình làm việc của Quyên chủ đích bảo vệ cho cơ sở may đồng phục và cố tình làm khó đại diện mầm non BaBy.  

Anh Kha nhiều lần yêu cầu, chị Quyên mới chịu xuất trình giấy giới thiệu của báo nhưng chị Quyên rút một thẻ màu đỏ có chữ Khuyến học - Dân trí ra chớp nhoáng rồi lập tức cất vào ví. Anh Kha yêu cầu cung cấp số đường dây nóng của báo để xác minh nhưng chị Quyên không chấp nhận.

Sau khi tự xoay xở tìm được số đường dây nóng của báo Dân trí tại TPHCM, anh Kha đã gọi điện đến văn phòng đại diện TPHCM và được trả lời không có ai là phóng viên hay cộng tác viên mang tên Phạm Thị Lệ Quyên cũng như không có cử phóng viên nào tới nhà trẻ Baby để làm việc. Đến lúc này, anh Kha đã gọi điện trình báo lên công an phường.

Sau đó, công an phường Hiệp Thành đã mời chị Quyên lên trụ sở làm việc. Tại trụ sở công an phường, chị Quyên lúc thì khai là phóng viên báo Khuyến học & Dân trí, lúc thì nói chỉ là cộng tác viên. Ngoài ra, Quyên còn “khoe” mình là phóng viên của “Tạp chí cao su Việt Nam” và còn cộng tác cho nhiều báo khác.

Thế nhưng, khi hỏi về báo Khuyến học & Dân trí, Quyên không nhớ được địa chỉ của báo ở Hà Nội hay văn phòng đại diện tại TPHCM.

Tại cơ quan công an, Quyên xuất trình một Thẻ Nhà báo và một Thẻ Hội viên hội nhà báo Việt Nam địa chỉ cơ quan là Tạp chí cao su Việt Nam và một thẻ cán bộ mang tên Phạm Thị Lệ Quyên (chức vụ phóng viên, bút danh Quyên Anh) của báo Khuyến học & Dân trí nhưng hết hạn sử dụng từ ngày 31/12/2004.

Quyên khai nhận đơn khiếu nại của cơ sở may gửi trực tiếp cho mình tại tòa soạn Tạp chí cao su Việt Nam. Thế nhưng, khi tác nghiệp Quyên lại xưng là đi thực hiện đề tài giáo dục cho báo Khuyến học & Dân trí.

Sau khi cơ quan chức năng xác minh tại báo Khuyến học & Dân trí, Phạm Thị Lệ Quyên đã cúi đầu thừa nhận hành vi sai trái của mình khi mạo nhận mình là người của báo Khuyến học & Dân trí.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lý Trường Chiến - Trưởng đại diện Văn phòng báo Khuyến học & Dân trí; Báo điện tử Dân trí tại TPHCM cho biết, trong nhiều năm qua văn phòng của báo không có bất kỳ phóng viên hay cộng tác viên nào có tên Phạm Thị Lệ Quyên.

Hiện vụ việc đang được công an phường Hiệp Thành, Q.12 mở rộng điều tra để làm rõ động cơ và các sai phạm của Phạm Thị Lệ Quyên.
 
Công Quang - Nguyên Phan