Quảng Trị:
Mảnh đất khốc liệt “81 ngày đêm Thành Cổ” đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
(Dân trí) - Tối 13/9, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 210 năm lỵ sở Quảng Trị (1809-2019), 30 năm lập lại thị xã Quảng Trị (16/9/1989-16/9/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thị xã Quảng Trị được nhân dân cả nước biết đến là mảnh đất chịu nhiều đau thương của khói lửa chiến tranh. Thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta với trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị “mùa Hè đỏ lửa” 1972.
Năm 1809, triều đình nhà Nguyễn quyết định xây thành Quảng Trị, tức Thành cổ Quảng Trị ngày nay và đặt làm trung tâm chính trị hành chính tỉnh Quảng Trị, mở đầu cho sự hình thành và phát triển của lỵ sở Quảng Trị. Ngày 17/2/1906, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị, vùng đất này tiếp tục là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị cho đến ngày giải phóng năm 1975.
Tiết mục nghệ thuật ca ngợi sự đổi thay của Quảng Trị.
Ngày 16/9/1989, thị xã Quảng Trị được tái lập theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ. Sự kiện này đã mở ra thời cơ vận hội mới, trở thành dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho thị xã tiếp tục vững bước đi lên.
Ông Lê Tiến Dũng - Bí thư Thị xã Quảng Trị nhấn mạnh, 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã khắc phục khó khăn, nỗ lực không ngừng và đạt được những thành tựu khá toàn diện.
Theo lãnh đạo thị xã Quảng Trị, từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu thốn và lạc hậu, đến nay, kinh tế thị xã Quảng Trị đã có sự phát triển vượt bậc; tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm gần 50% trong cơ cấu kinh tế, với tổng giá trị tăng 330 lần so với năm 1989. Công nghiệp chế biến nông sản, chế biến gỗ, cơ khí, gia công kim loại… phát triển mạnh; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 136 lần. Sản xuất nông - lâm - thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng nâng cao chất lương, hiệu quả; thu ngân sách trên địa bàn tăng 220 lần.
Dòng sông thiêng Thạch Hãn - nơi ghi dấu ký ức đau thương trong thời kỳ chiến tranh.
Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường được chú trọng. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Các giá trị văn hoá truyền thống được khơi dậy và phát huy, các giá trị mới về văn hoá của thời kỳ hội nhập dần hình thành và từng bước khẳng định.
Bí thư thị xã Quảng Trị khẳng định, 30 năm được lập lại trong tiến trình 210 năm đầy biến động thăng trầm, những giá trị văn hóa, lịch sử được hun đúc, hình thành tự bao đời đang được thăng hoa, kết nên những thành tựu đáng tự hào. Truyền thống ấy, thành quả ấy là di sản vô cùng quý giá, là nguồn cổ vũ động viên to lớn, là hành trang để Đảng bộ và nhân dân thị xã tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng và phát triển.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Hùng – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị nêu rằng, sự kiện lập lại thị xã Quảng Trị 30 năm trước không đơn thuần là xác lập một đơn vị hành chính mới, mà là sự lựa chọn có tính chiến lược, xen lẫn kỳ vọng về sự phát triển của một đô thị về phía Nam có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, nơi từng được chọn là lỵ sở Quảng Trị.
Cao hơn thế, đây là địa danh lịch sử cách mạng gắn liền với chiến công bất tử của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị, viết nên khúc tráng ca bất tử về khát vọng hoà bình, yêu chuộng tự do và công lý.
Thành cổ Quảng Trị - mảnh đất tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng, với ý chí cần cù, nỗ lực sáng tạo, Quảng Trị đã vượt qua khó khăn để hồi sinh và phát triển. Với vị trí trung tâm kinh tế, văn hoá phía Nam của tỉnh, nằm trên quốc lộ 1 và hành lang kinh tế Đông – Tây, cùng với những tiềm năng, thế mạnh khác, Quảng Trị khai thác và phát huy bằng các hướng đi đúng và giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, thị xã Quảng Trị cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đòn bẩy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Rà soát bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, của thị xã một cách đồng bộ, hướng đến xây dựng đô thị vì hoà bình trong tương lai.
Đăng Đức