Mạng người và… mớ rau!
(Dân trí) - Một người bạn của tôi đã so sánh một cách cực đoan như vậy trước thông tin hơn 5.000 trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì ẩu đả trong dịp Tết Bính Thân 2016.
Mua một mớ rau, người cân nhắc giá tiền, kẻ quan tâm rau có sạch, có an toàn không. Vậy mà không ít người khi dùng vũ lực gây tổn thương hay tước đi tính mạng người khác lại chẳng cần một giây để suy nghĩ.
So sánh này cũng như hình ảnh chị vợ cùng hai đứa con nhỏ vật vã khóc lóc trước phiên tòa xử người chồng giết bạn nhậu. Chị thảm thiết: “Ở nhà gắn một cái đinh anh cũng tính toán xem có bị hỏng tường không. Mua một đôi dép anh cũng so đo xem hao hụt tiền bạc không. Cớ sao cầm dao giết người ta lại không biết thiệt biết hơn?”.
Có lẽ chưa lúc nào, người và người lại dễ dàng tước đi tính mạng của nhau như lúc này. Chúng ta có vô số cái chết xuất phát bởi những nguyên nhân "trời ơi đất hỡi". Từ một cái nhìn được cho là “đểu”, một lời mời chưa được đáp lại, từ một lời nói hay những vụ va chạm xe trên đường,… đều có thể dẫn đến kết cục người mất mạng, kẻ tù tội.
Nhiều kẻ đột nhập tiệm vàng, những biệt thự đồ sộ để giết người cướp của nhưng cũng có lắm mạng người bị tước đi chỉ để cướp chiếc điện thoại rẻ rúng hay vài trăm ngàn đồng.
Một lần, tôi đi xe ôm ngay ngã tư Hai Ba Trưng – Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM, bác tài thủ thỉ: “Chở mấy cô già già như chị còn yên tâm phần nào chứ thanh niên trai tráng gọi xe là tui sợ lắm. Bị siết cổ cướp tiền, cướp xe lúc nào chẳng hay”. Chao ôi, chiếc xe Wave tàu bác dùng mưu sinh, bác bảo bán một triệu không ai mua, trong túi chẳng lúc nào có quá 200 nghìn mà người ta còn phập phồng như vậy.
Hỏi sao ở Sài Gòn, đi một chiếc xe đẹp, đeo chiếc túi xách trên người cũng phải ngó trước nhìn sau. Có những chị em, những cô gái đeo cái dây trang sức dỏm có 20 nghìn thôi vậy mà cũng phải “ngụy trang” bịt thật kín. Chỉ cần dừng xe nghe bên vệ đường điện thoại, lập tức sẽ có vô số lời nhắc nhở: “Cẩn thận kìa!” .
Không bất an sao được khi mà con cháu chặt tay người đi đường để cướp xe SH thì người nhà gào thét trước cổng tòa: “Ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém!”. Có thể đó là lời vô tình trong nỗi đau cùng cực của người thân nhưng cũng là lời của cái ác đang thách thức một cách công khai, ngang nhiên.
Ở thời chiến, con người biết mình có thể chết bởi súng đạn với một tâm thế sẵn sàng; lúc đất nước cơ hàn, người ta lường được mình có thể chết vì đói vì khổ; khi quay quắt với bệnh tật người ta phải chấp nhận đối diện với cái chết khi bệnh vô phương cứu chữa...
Vậy mà ở thời bình, những lúc khỏe mạnh, phơi phới nhất, con người lại có thể… mất mạng mà chẳng kịp biết vì lý do gì.
Kỳ vọng vào điều thiện, trân quý cơ thể, tính mạng người khác thật khó khi chúng ta có một bộ phận người - không nhỏ - chẳng thiết tha sống.
Đó là hình ảnh những phạm nhân đang tâm tước đoạt tính mạng người khác vẫn cười nhếch mép bất cần khi quan tòa gõ cộp chiếc búa chấm hết cuộc đời.
Chúng ta cũng đang “sở hữu” không ít nam thanh nữ thất nghiệp, suốt ngày lông bông cờ bạc, rượu bia, đua xe, hút chích… khi nói về cái ác cười khoái trá như những “anh hùng”: “Cùng lắm là nhận án tử!”.
Tính mạng của mình còn bị xem rẻ đến vậy thì không khó hiểu khi mạng người khác chẳng bằng mớ rau! Khi không còn thiết tha sống, không còn thiết tha với cuộc đời thì thật khó để gieo vào cuộc sống những điều thiện.
Khi đã không yêu thương chính bản thân mình, trân quý cơ thể mình thì thật khó để yêu thương người khác.
Cũng vì thế mà anh bạn so sánh mạng người và mớ rau của tôi đang dạy con sống đề phòng với tất cả - dù biết như vậy là cực đoan. Cuộc sống bất an đang đẩy con người vào thế co mình, đề phòng cũng đồng nghĩa với lòng tốt dần bị đẩy lùi “nhường sân” cho cái ác, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Nói về lối hành xử bạo lực diễn ra tràn lan hiện nay, chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Trung tâm tâm lý giáo dục Rồng Việt - Vũng Tàu) bày tỏ tình trạng thất nghiệp, phân hóa giàu nghèo, những bất mãn… cuộc sống nhiều người bế tắc, không tìm thấy lối thoát tạo ra những ức chế trong tâm thức. Và lúc này bia rượu chính là cái “cớ”, cái “công tắc” để cái ác bùng nổ.
Theo Giáo sư Vũ Gia Hiền, cách hành xử hỗn loạn giữa người và người, kể cả với những người yêu thương nhất như cha mẹ, vợ con, anh chị em… cộng hưởng từ rất nhiều nguyên nhân, từ những biến đổi phức tạp của xã hội, gia đình. Nhưng trước hết xuất phát từ tình yêu thương đang bị bào mòn.
Một khi con người mất đi lòng yêu thương, mất đi chỉ số cảm xúc thì việc nhẫn tâm nào cũng có thể xảy ra.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)