1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Mang con chữ đến với bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước

Phạm Diện

(Dân trí) - Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, bà con dân tộc thiểu số ở xã Long Tân (Bình Phước) được đến lớp xóa mù chữ 3 buổi/tuần.

Đi tìm con chữ mỗi đêm

Mô hình lớp học xóa mù chữ tại xã Long Tân, huyện Phú Riềng (Bình Phước) được khai giảng vào ngày 22/7. Lớp học nhằm giúp bà con dân tộc thiểu số tại xã biết chữ, đồng thời nâng cao dân trí cho bà con.

Khi màn đêm buông xuống, bà con dân tộc thiểu số ở xã Long Tân lại gác công việc nhà, tìm đến lớp xóa mù chữ để học tập. Lớp học này khá đặc biệt vì học sinh của lớp ở nhiều độ tuổi khác nhau từ 10 đến 66 tuổi.

Đều đặn từ thứ hai đến thứ sau trong tuần, cứ 18h30, bà con dân tộc gác lại công việc gia đình, cùng nhau tìm đến nhà văn hóa thôn 6 của xã để được học chữ.

Mang con chữ đến với bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước - 1

Bà Nguyễn Thị Xuân Hòa, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng trò chuyện cùng học sinh tại lớp xóa mù chữ (Ảnh: Phạm Yến).

Trong số gần 40 học sinh của lớp, vì độ tuổi khác nhau nên việc học đối với các học sinh không hề dễ dàng. Không chỉ vậy, việc giảng dạy của thầy cô cũng gặp những khó khăn nhất định.

Dù gặp nhiều khó khăn vì độ tuổi đã lớn nhưng các học sinh vẫn đến lớp đầy đủ để được các thầy cô dạy chữ. Họ được học từ những chữ cái đến con dấu như những em vừa chập chững biết đọc, biết nói.

Lớp học xóa mù chữ ở Nhà văn hóa thôn 6 còn có nhiều em học sinh trong độ tuổi đi học nhưng do hoàn cảnh phải rời quê hương theo ba mẹ di cư về Long Tân sinh sống nên chưa được đến trường.

Mang con chữ đến với bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước - 2

Lãnh đạo xã Long Tân tham gia một tiết học tại lớp xóa mù chữ (Ảnh: Phạm Yến).

Có nhiều học sinh đang theo học tại đây là người dân địa phương nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc phải ở nhà phụ giúp ba mẹ kiếm tiền, để biết đến con chữ đối với các em thật xa vời. Thế nhưng, khát khao được biết chữ là động lực giúp các em đến với lớp học này.

Vừa học, vừa chơi

Trao đổi với phóng viên Dân trí, cô Đào Thị Yên, một trong những giáo viên của lớp học xóa mù chữ, cho biết, đây là lớp học đặc biệt, bởi vì học sinh phần đông là những người lớn tuổi nhưng lại chưa biết chữ cái. Vì vậy, việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, để động viên bà con đến lớp đều đặn trong quá trình giảng dạy phải tạo được niềm vui, thích thú chứ không gây áp lực khi học. Các học sinh trong lớp được tạo điều kiện vừa học, vừa chơi nên bà con tiếp thu cũng khá nhanh.

"Quá trình dạy tôi thấy hầu hết bà con trong lớp đều tiếp thu khá tốt. Một số đọc rất tốt, số ít thì chưa đọc rõ ràng được. Phần viết trên vở, đa số bà con lớn tuổi nên viết chưa chuẩn, giáo viên chúng tôi cố gắng hướng dẫn để bà con viết tốt hơn", cô Yên cho hay.

Mang con chữ đến với bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước - 3

Cô Đào Thị Yên là một trong những giáo viên đứng lớp xóa mù chữ (Ảnh: Phạm Yến).

Trong thời gian theo học lớp xóa mù chữ, nhiều bà con đã lớn tuổi nhưng vẫn phải đi làm thuê nên cũng bị ảnh hưởng đến việc học tập. Nhiều bà con không học bài về nhà nên khi lên lớp việc giảng dạy của cô giáo mất nhiều thời gian hơn. Quá trình giảng dạy, cô giáo sử dụng tranh, ảnh trong sách giáo khoa cho bà con dễ nhớ.

"Mới đây, tôi đã tổ chức thi học kì 1 cho lớp, kết quả cho thấy, hầu hết các học viên đã biết chữ cái và đã đọc được các câu đơn giản", cô Yên chia sẻ.

Trước đó, trong buổi đến thăm lớp học, bà Nguyễn Thị Xuân Hòa, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng mong muốn các thầy, cô giáo tiếp tục truyền đạt kiến thức đến tất cả các học sinh đang theo học tại các lớp.

Bên cạnh giảng dạy kiến thức văn hóa, giáo viên nên lồng ghép dạy kỹ năng mềm trong buổi học để học sinh trong lớp mạnh dạn giao tiếp, nhanh nhạy ứng xử trong mọi tình huống.

Mang con chữ đến với bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước - 4

Học sinh tập viết chữ trên vở tại lớp xóa mù chữ (Ảnh: Phạm Yến).

Ngoài ra, bà Hòa đề nghị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với lãnh đạo địa phương và giáo viên rà soát những khó khăn, vướng mắc của các lớp học, kịp thời khắc phục, hỗ trợ để toàn bộ học sinh có điều kiện tiếp thu kiến thức tốt nhất.

Theo thống kê tại xã Long Tân, người đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ còn rất nhiều. Quá trình rà soát, cán bộ xã đã đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận động họ đi học để biết chữ. 

Bình Phước là địa phương có đông dân tộc thiểu số với 41 dân tộc khác nhau, hơn 203.500 người (chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh).

Mặc dù đã nỗ lực vận động, tổ chức các lớp học miễn phí nhưng đến nay Bình Phước vẫn chưa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 

Mô hình góp phần thực hiện Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Hơn 100 người tham gia lớp Phổ cập giáo dục

Ngoài lớp học xóa mù chữ tại xã Long Tân, tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng (Bình Phước), chính quyền cũng mở lớp Phổ cập giáo dục với sự tham gia của hơn 100 người.

Theo đó, tại điểm trường thôn Bù Ka 2, trường tiểu học Long Hà C, xã Long Hà đang duy trì 2 lớp phổ cập trình độ lớp 8 và lớp 9 với 105 học sinh, chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại đây, học sinh sẽ được học các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa.

Thời gian học từ 18h, các ngày từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần.