“Màn trời chiếu đất” nơi lòng hồ thủy điện
(Dân trí) - Đã gần một năm kể từ ngày hàng ngàn người dân dỡ bỏ nhà cửa, nhường đất cho công trình hồ chứa nước Nước Trong trên địa bàn hai huyện Sơn Hà và Tây Trà (Quảng Ngãi). Đến nay nước trong lòng hồ đã đầy nhưng dân vẫn “màn trời chiếu đất”.
Một khu tái định cư mới được san lấp nhưng không người dân nào dám vào ở vì sạt lở liên tục xảy ra. Một dãy tái định cư ven đường phía sau là vực sâu hun hút.
Những ngôi nhà tái định cư được xây loi choi mỗi nơi mỗi căn. Đến nay sau gần một năm vẫn chỉ là cái khung. Có nơi những khu tái định cư tập trung chỉ là bãi đất trống bị sạt lở nghiêm trọng, người dân không dám làm nhà ở.
“Lẽ ra trước khi di dời cần phải xây dựng khu tái định cư cho dân. Đằng này người ta làm thủy điện, dời dân đi mà dân chẳng biết ở chỗ nào. Dân đói ăn, những người làm cán bộ xã như tôi cũng xót lòng lắm, nhưng chẳng biết cách nào…” - ông Hồ Văn Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, tâm sự.
Theo ông Truyền, việc Ban quản lý hợp phần di dân dự án hồ chứa nước Nước Trong như hiện nay là sai hoàn toàn bởi khi dỡ bỏ nhà của dân để lấy đất làm công trình mà khu tái định cư chưa có, không bố trí đất sản xuất, trường học… cho dân thì làm sao an cư lập nghiệp?
Hậu quả của việc di dân không đến nơi đến chốn là những vạt rừng nguyên sinh đang bị đốn hạ
Được biết, dự án hồ chứa nước Nước Trong do UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 6 và Công ty cổ phần điện Nước Trong làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1.500 tỉ đồng; được Bộ NN&PTNT cấp giấy phép xây dựng vào năm 2008 và sau hơn năm năm thi công sẽ đưa vào hoạt động.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những căn nhà tạm bợ của người dân ven đường đều được làm bằng tre, nứa, phủ bạt ni lông rất thô sơ. “Nhưng đó là cả đống tiền chứ không ít đâu. Hồi dỡ nhà đi, nghe người ta nói dỡ nhà rồi sẽ có chỗ ở mình cũng nghe lời, dỡ nhà đi rồi thì chẳng biết đi đâu. Thấy bà con vất vưởng mấy người bên dự án đến cấp cho mỗi hộ 6 triệu đồng để làm nhà tạm, nói vậy rồi họ bỏ đi, người dân mình cầm tiền tự tìm đất ven đường dựng nhà mà sống chứ chẳng thấy khu tái định cư đâu hết” - ông Hồ Minh Trí, trưởng thôn Tre cho biết.
Cũng theo ông Trí, từ ngày hơn 400 người dân thôn ông di dời đến nơi ở mới đến giờ có người vẫn chưa có nhà để ở. “Chúng tôi khổ mấy cũng được, đằng này bọn trẻ đi học cũng bị vạ lây. Trường cũ đã bỏ hoang, giờ đi học mấy đứa nhỏ phải cuốc bộ hàng giờ đường rừng mà học trong mấy túp lều tạm bợ. Dự án nào cũng hô hào làm cho dân ấm no, thế mà cả mùa đông này dân chúng tôi toàn hứng giá rét. Đói ăn nữa…” - ông Trí bức xúc.
Những ngày cuối năm, chúng tôi “mục sở thị” đời sống của hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số nơi lòng hồ. Những túp lều tạm bợ được dựng lên ven con đường công vụ dẫn vào lòng hồ liêu xiêu trước gió. Nhiều hộ gia đình không có chỗ ở nên làm nhà tạm ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Có nơi người dân làm nhà dựa nào vách núi, chẳng biết núi đè lúc nào…
Cũng có gia đình, sau khi dỡ bỏ nhà cửa đi đến nay vẫn chưa tìm ra đất để dựng nhà tạm, nhiều người dân lo sợ Tết này sẽ ra sao…
Một ngôi nhà xây trong diện tái định cư qua gần một năm chưa hoàn thiện
Đường dẫn vào các thôn bị xe thi công lòng hồ cày nát như tương
Ngôi trường kiên cố nhất được đầu tư xây dựng ở xã nghèo thuộc diện cứu trợ thường xuyên của Nhà nước đành phải bỏ hoang vì học sinh “nhảy” theo cha mẹ đến vùng tái định cư tạm bợ.
Những ngôi nhà còn lại chưa di dời
Ngôi nhà của một người dân được dỡ bỏ di dời nhường đất cho lòng hồ thủy điện nhưng vẫn chưa tìm được đất dựng nhà đành để tài sản phơi mưa dầm nắng.
Nguồn điện thắp sáng chủ yếu là từ các tuốc bin điện do người dân tự mua về chạy lấy điện dùng
Cuộc sống mới gặp rất nhiều khó khăn, người dân phải dùng nước suối để sinh hoạt
Người đàn bà này đang nấu ăn trong một căn nhà vừa được hàng xóm dựng lên.
Hữu Trí