1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mầm xuân trên vùng rốn lũ Bình Định

(Dân trí) - Những ngôi nhà mới được xây lên, những cánh đồng phủ xanh một màu xanh mơn mởn của lúa non... Sau nhiều thiệt hại chẳng thể “cân đo, đong đếm”, nụ cười đã nở trên khuôn mặt người dân vùng rốn lũ dù còn lắm lo toan, bộn bề.

Xuân sum vầy trong ngôi nhà mới

Sau 5 trận lũ dồn dập từ ngày 30/10 -18/12/2016, tỉnh Bình Định có 551 ngôi nhà sập hoàn toàn. Đó là chưa nói đến những mất mát về người mà chẳng bao giờ tính được. Trong đó, vùng rốn lũ huyện Tuy Phước, vùng đất mà người ta hay ví von dân “9 áo, 1 quần”, bởi đây là vùng hạ du của sông Kôn và sông Hà Thành đổ về hợp lại trước khi đổ ra đầm Thị Nại. Khi có mưa lũ là vùng này lại thành biển nước mênh mông. Trong 5 trận lũ lịch sử vừa qua, huyện Tuy Phước là địa phương có nhà sập nhiều nhất tỉnh với hơn 200 ngôi nhà.


Gia đình chị Trần Thị Nghĩa, thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) chuẩn bị đón Tết trong căn nhà mới vừa được xây dựng còn thơm mùi sơn

Gia đình chị Trần Thị Nghĩa, thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) chuẩn bị đón Tết trong căn nhà mới vừa được xây dựng còn thơm mùi sơn

Những ngày cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chúng tôi trở lại xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), nơi có số nhà sập nhiều nhất huyện Tuy Phước với hơn 110 trường hợp. Hơn 1 tháng sau cơn lũ, đã có gần 40 ngôi nhà mới, vững chãi đã được xây dựng từ những đống đổ nát. Chính nhờ nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cũng như hảo tâm, nhiều hộ dân không phải đón cái Tết trong lều tạm bợ. Không khí xuân đang đến trong niềm vui của mỗi gia đình.

Gần 1 tháng tích cực xây dựng, đến nay căn nhà mới của anh Nguyễn Phúc Sinh (35 tuổi, ở xóm Đông Phường, thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) đã gần như hoàn thiện để gia đình đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Đang lau sạch những giọt sơn rơi vãi xuống nền nhà, chị Trần Thị Nghĩa - vợ anh Sinh chia sẻ: “Khó thì cũng khó rồi, nhưng biết tin tỉnh hỗ trợ cho gia đình có nhà sập 50 triệu, vợ chồng tôi quyết định vay mượn thêm xây một lần cho chắc chắn, lũ sau đỡ lo. Ngôi nhà trị giá hơn 150 triệu đồng, nền lát gạch hoa, gác lỡ và công trình phụ. Năm nay, gia đình ăn Tết trong ngôi nhà mới”.

Vợ chồng ông Lưu Văn Khánh, thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận với niềm vui đón Têt trong ngôi nhà mới khang trang
Vợ chồng ông Lưu Văn Khánh, thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận với niềm vui đón Têt trong ngôi nhà mới khang trang

Những ngày này, vùng lũ xã Phước Hòa cũng trở nên “sáng” hơn trong cái nắng hanh vàng. Bên những đống đổ nát của những mái nhà bị sập sau mưa lũ là những ngôi nhà mới xây còn nguyên mùi vôi mới. “Sau khi nhà sập, nhờ các cấp chính quyền, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ mà tôi đã xây lại được ngôi nhà mới. Tết này, 2 mẹ con được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (58 tuổi, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) phấn khởi nói.

Theo bà Võ Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, qua 5 đợt lũ liên tiếp, trên địa bàn xã có hơn 100 ngôi nhà dân bị sập hoàn toàn đủ điều kiện được hỗ trợ xây lại nhà mới. Đến nay, có khoảng 80 - 90 nhà được xây dựng hoàn thành kịp đón Tết. Trong quá trình dựng lại nhà, xã cũng tạo điều kiện cho người dân bằng cách đứng ra bảo lãnh để các đại lý bán vật liệu xây dựng cho người dân mua nợ. “Chủ trương của xã là tuyệt đối không để hộ dân nào phải chịu cảnh thiếu thốn trong những ngày Tết và sau Tết” - bà Thắm nhấn mạnh.

Mầm xuân mơn mởn trên cánh đồng

Không khí Tết đến, Xuân về đang lan tỏa khắp nơi. Nằm ở ngoại ô TP Quy Nhơn, một số khu vực của phường Nhơn Bình và Nhơn Phú nằm trong vùng trũng, nên cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề do lũ. 5 đợt lụt đã nhấn chìm toàn bộ giống má, rau màu của bà con trong nước bạc, nhấn chìm luôn cả mùa vụ đợi chờ nhất trong năm: mùa rau Tết.

Bà Mỹ (ngụ tổ 6, khu vực 6, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đang tất bậc chăm sóc rau cho vụ rau sau Tết
Bà Mỹ (ngụ tổ 6, khu vực 6, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đang tất bậc chăm sóc rau cho vụ rau sau Tết

Sau những ngày dài mưa gió, người người đổ ra đồng, lên lại từng luống đất, sửa sang giàn khổ qua, dưa leo đã bị thối gốc phân nửa do nước lũ. Lặng lẽ và cần mẫn. Giờ đây, ở vùng lũ này màu xanh của lúa và các loại rau màu đã trải dài trên những cánh đồng, mảnh vườn, với hy vọng một vụ mùa thắng lợi.

Miệt mài tưới nước cho 1 sào dưa leo vừa xuống giống chừng 1 tháng, bà Thân Thị Mỹ (63 tuổi, ngụ tổ 6, khu vực 6, phường Nhơn Phú) cho hay: “Ba lần trước, trời làm trật ăn. May, bốn rò gò, xà lách trồng trên cao nên không bị úng. Mấy hôm nay, giá rau cũng được, nên cũng còn được chút ít đón Tết. Dù sao nhà mình cũng may mắn hơn, chứ nhiều nhà mất trắng”.

Ông Trần Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình, cho biết: Riêng 2 hộ dân có nhà bị sập, đến nay đã xây lại nhà mới để kịp đón Tết. Ngoài ra, để người dân vui Xuân, đón Tết vui vẻ, chính quyền địa phương cũng đã trích ngân sách mua quà và tổ chức đi thăm 71 gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách, hộ bị thiệt hại do bão lũ, mỗi suất trị giá từ 200 ngàn đồng. UBND phường cũng đã nhanh chóng chuyển 7 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn trên địa bàn, mỗi nhân khẩu 15 kg. Đồng thời, trao 254 suất quà của Chủ tịch nước tới các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng,… sinh sống ở địa phương.

Trân các cánh đồng ở nông thôn tỉnh Bình Định đã phủ một màu xanh mơn mởn sau khi lũ lụt tàn phá, sa bồi bồi lấp
Trân các cánh đồng ở nông thôn tỉnh Bình Định đã phủ một màu xanh mơn mởn sau khi lũ lụt tàn phá, sa bồi bồi lấp

Tết đang đến rất gần. Đi qua những ngày lũ, niềm hy vọng lại được nhen nhóm trên những cánh đồng, trong từng ngôi nhà còn thơm mùi sơn. Bằng sự bền bỉ của những người dân quê chịu thương chịu khó, họ đang đón đợi một năm mới an lành, đầm ấm.

Thanh Vy - Doãn Công