Mầm sống cuối cùng của một “gia đình da cam”
(Dân trí) - 40 năm nay, gia đình ông Nguyễn Trí Lớn và bà Nguyễn Thị Thỉu chưa có một ngày vui trọn vẹn. Liên tiếp những đứa con ra đời với hình hài không lành lặn, và giờ đây, cũng chỉ còn duy nhất một con người không lành lặn sống sót trong ngôi nhà ấy…
Chồng chất nỗi đau...
Những ngày cuối đông lạnh giá, chúng tôi tìm về thôn Lam Thủy (Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị) khi hay tin ông Lớn qua đời sau những năm tháng kiệt quệ chống chọi lại với những di chứng của chất độc da cam. Bốn ngày sau khi ông Lớn mất, bà Thỉu cũng qua đời do tai biến mạch máu não. Bất hạnh đã liên tiếp đổ xuống một gia đình vốn đã chịu quá nhiều nỗi đau...
Ông Nguyễn Trí Tàm - em trai ông Lớn - vừa thắp nén nhang cho anh chị, vừa kể: Năm 1967, ông Lớn cưới bà Thỉu làm vợ, một năm sau đó bà Thỉu sinh đứa con gái đầu lòng khỏe mạnh. Một năm sau nữa, khi chiến trường miền Nam vào hồi ác liệt, ông Lớn bị địch bắt đi quân dịch. Tìm mọi cách trốn lính không được, ông bị đưa vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi, trọng điểm đánh phá và rải chất độc hóa học của địch thời bấy giờ.
Lúc này ở quê, bà Thỉu cùng dân làng phải sơ tán ra Bắc. Trên đường đi, cô con gái đầu lòng trúng bom chết. Quá đau đớn, bà Thỉu quyết định đội làn mưa bom đạn trở về địa phương tham gia đội du kích đánh địch. Thương vợ, ông Lớn do không thể đào ngũ đã tự hủy hoại thân thể bằng cách dùng chiếc cưa sắt cưa đi một chân để được về quê.
Trở về quê, ông cùng tham gia cách mạng với bà Thỉu. Năm 1971, ông bà sinh cô con gái thứ hai, đặt tên là Nguyễn Thị Lích. Năm lên ba tuổi, Lích đã bắt đầu có dấu hiệu bị tê liệt chân tay, tóc rụng dần, suốt ngày nằm một chỗ la hét…
Mười năm sau, ông bà tiếp tục sinh đứa con trai Nguyễn Trí Đới. Giống như người chị, Đới cũng quặt quẹo, teo tóp, đau ốm liên miên. Lúc này, qua nhiều lời phán đoán, ông Lớn hiểu rằng ông đã bị nhiễm thứ chất độc chết người ở chiến trường.
Mầm sống cuối cùng
Con cái ốm đau quặt quẹo, ông bà thương lắm, dồn hết tình yêu thương cho những đứa con thiệt thòi. Một chiếc giường tre được ông Lớn làm để Lích và Đợi nằm chung trong góc nhà. Chiếc giường tre, nóc nhà tranh trở thành thế giới của hai đứa trẻ da cam, là nơi chúng gắn bó cả cuộc đời bất hạnh của mình.
Bà Thỉu từng tâm sự: “Dẫu có bất hạnh, khó nhọc đến thế nào đi chăng nữa thì những đứa con không lành lặn kia cũng chính là ruột rà, máu mủ của mình. Vợ chồng tui sẽ nuôi nấng, chăm sóc bọn hắn đến khi mô nhắm mắt mới thôi”.
Lích đã 40 tuổi, Đợi cũng đã gần 28, nhưng hai chị em ngớ ngẩn như trẻ lên ba, suốt ngày vật vạ trên chiếc giường tre, la hét suốt ngày. Mọi việc vệ sinh tắm rửa, cho ăn uống,… đều nhờ cả vào bố mẹ già yếu.
Cách đây 3 năm, Nguyễn Thị Lích phát bệnh, không ăn uống gì, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Một tuần sau chị Lích mất. Mất đứa con gái da cam, tình thương của ông bà dồn hết cho Đới. Nhưng những ngày rét vừa qua đã quật ngã cả hai ông bà ở tuổi 68. Gia đình da cam” đó giờ chỉ còn một mầm sống duy nhất - bệnh tật, quặt quẹo, ngẩn ngơ, bơ vơ…
Bây giờ trong ngôi nhà tồi tàn nằm tít cuối thôn Lam Thuỷ ấy chỉ còn mỗi chiếc bàn thờ với hai bức di ảnh và chiếc giường tre rệu rã, hôi mốc. Đới nằm đó một mình cô độc, không buồn cười khóc, la hét như mọi ngày; chỉ cố nhướn đôi mắt dõi ra phía cửa sổ…
Hiếu Giang