1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước:

“Mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Bác”

(Dân trí)- Sáng 5/6, tại di tích Bến Nhà rồng (bảo tàng Hồ Chí Minh) TPHCM đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011).

“Mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Bác” - 1
Lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể tại di tích bến Nhà Rồng

Tham dự lễ kỷ niệm có ông Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cán bộ lão thành cách mạng và lãnh đạo các ban ngành thành phố.

“Mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Bác” - 2
Đông đảo lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự lễ kỷ niệm.

Trong diễn văn kỷ niệm, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải ôn lại hành trình gian khổ, hiểm nguy của Bác trong 30 năm bôn ba ở nước ngoài, trải qua bao nghề cực nhọc để kiếm tiền sống, học tập, hoạt động và tìm kiếm con đường đi cho cách mạng Việt Nam.

“Với hành trang là chủ nghĩa yêu nước, nhân dân Việt Nam; với khát vọng cao cả là giành cho được độc lập tự do của tổ quốc; bằng ý chí và nghị lực phi thường, Nguyễn Tất Thành đã vượt trùng dương, qua 4 châu lục, gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; ròng rã, kiên trì chịu đựng gian khổ, hiểm nguy; đạp bằng chông gai, thử thách; lướt qua phong ba, bão tố trong suốt 30 năm bôn ba không ngơi nghỉ” - Bí thư thành ủy khái quát.

Và từ con đường cứu nước tìm ra ở hải ngoại, Bác đã trở về lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân giải phóng đất nước thoát khỏi ách nô lệ tàn bạo. Suốt cuộc đời Bác hoạt động, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, mong cho nhân dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Tưởng nhớ công ơn của Bác, ông Lê Thanh Hải thay mặt nhân dân thành phố hứa: “Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường đoàn kết, dùng hết sức lực và tâm huyết vào sự nghiệp chung; cống hiến ngày càng nhiều hơn cho nhân dân, cho sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của thành phố và đất nước, thành phố nhất định mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thành phố anh hùng”.

“Mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Bác” - 3
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: “Thành phố nhất định mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Tiến sĩ Lê Minh Vĩnh, Phó Chủ nhiệm khoa Địa lý trường ĐH KHXH&NV TPHCM, đại diện tầng lớp trí thức thành phố phát biểu: “Quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Bác không phải là sự ngẫu nhiên, may mắn mà là kết quả của sự trải nghiệm của quá trình lao động, học tập, nhận thức và chiến đấu bằng trí tuệ, ý chí vươn lên tầm cao mới của một người trí thức vĩ đại”.

Từ hành động và sự nghiệp của Bác, TS.Lê Minh Vĩnh nhận ra vai trò của trí thức đối với sự phát triển của đất nước. Bà cho rằng: “Các điều kiện thực tế luôn thay đổi, người trí thức không thể học và làm theo lối mòn mà phải luôn năng động, sáng tạo. Chúng ta luôn cần học tập Bác Hồ về tư duy biện chứng khoa học, cầu thị, đổi mới”.

Và bà hứa: “Tự hào là công dân một thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng vĩ đại giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đội ngũ trí thức thành phố nói chung và bản thân tôi nói riêng nhận thức được trách nhiệm của mình là phải nỗ lực phấn đấu góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố cũng như của đất nước Việt Nam thân yêu!”.

“Mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Bác” - 4
Bác mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo

Thay mặt thanh niên thành phố, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành đoàn phát biểu: “Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tấm gương đạo đức của Bác mãi mãi là tài sản vô giá để các thế hệ trẻ học tập và noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mãi mãi trường tồn!”.

Sau lễ kỷ niệm, các đại biểu tiếp tục tham gia nghi thức động thổ xây dựng giai đoạn 2 dự án Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM.

“Mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Bác” - 5
Các đại biểu tham gia nghi thức khởi công xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM giai đoạn 2.

Nhà Rồng nguyên là trụ sở của Công ty vận tải Hoàng Đế được xây dựng vào năm 1862 tại thương cảng Sài Gòn. Cũng từ bến cảng này, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Latouche Trévilie xuất dương tìm đường cứu nước.

Sau khi đất nước thống nhất, nơi đây đã được giữ gìn, bảo tồn và sưu tầm, lưu trữ, trưng bày những tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh tại TPHCM.

“Mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Bác” - 6
Từ bến Nhà Rồng, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước.

Nhân dịp kỷ niệm 121 ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2011) và 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), TPHCM quyết định khởi công mở rộng khu di tích này.

Theo kế hoạch, bảo tàng này sẽ được đầu tư xây dựng mới nhà trưng bày chuyên đề gồm hội trường, phòng trưng bày chuyên đề và phòng chiếu phim tư liệu. Ngoài ra, bảo tàng cũng được đầu tư các trang thiết bị nhằm hiện đại hóa công tác bảo tồn, trưng bày tạo điều kiện để phục vụ sưu tầm, lưu trữ, bảo quản, trưng bày các hiện vật…

Tùng Nguyên – Công Quang