1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Mai ế ẩm, nông dân trắng đêm ngóng khách mua hoa

Doãn Công

(Dân trí) - Chưa bao giờ nông dân ở "thủ phủ" mai vàng lớn nhất miền Trung tại Bình Định lại ế ẩm như năm nay. Đã 30 Tết, nhiều chủ vườn mai vẫn "phơi mặt" dọc hai bên quốc lộ 1 để bán mai.

"Chua" như nông dân bán mai Tết

Ngày 21/1 (tức 30 Tết), ghi nhận của PV Dân trí, dọc quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Bình Định, nhất là đoạn qua xã Nhơn An, thị xã An Nhơn - nơi mệnh danh là "thủ phủ" mai vàng lớn nhất miền Trung, nhiều chủ vườn mai vẫn gắng gượng nán lại, bán vớt vát được chậu nào hay chậu đó.

Mai ế ẩm, nông dân trắng đêm ngóng khách mua hoa - 1

Vụ mai Tết năm nay, nhiều nhà vườn méo mặt do thời tiết lạnh mai nở muộn (Ảnh: Doãn Công).

Mai ế ẩm, nông dân trắng đêm ngóng khách mua hoa - 2

Người dân dựng lều hai bên quốc lộ 1 để bán mai giữa trời giá rét (Ảnh: Doãn Công).

Anh Võ Văn Nghi (27 tuổi, phường Bình Định, thị xã An Nhơn) cho biết: "Năm ngoái giờ này đã ở nhà lo sắm Tết rồi. Chưa bao giờ người bán mai lại ế như năm nay. Nhiều người đưa mai đi xa bán cũng phải đem về. Tính cả lớn, nhỏ đến nay tôi mới chỉ bán chưa được 100 chậu, mới đủ tiền thuê đất, tiền công vận chuyển".

Ông Thái Văn Lai (73 tuổi, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) thuê một lô đất dọc quốc lộ 1A đoạn qua xã Nhơn An, thị xã An Nhơn để bán mai. Ông Lai cho biết, vườn mai gần 2.000 chậu của gia đình ông dự kiến sẽ bán hết gần một nửa. Tuy nhiên, do thời tiết lạnh bất thường nên chỉ bán vớt vát chưa được 200 chậu.

Mai ế ẩm, nông dân trắng đêm ngóng khách mua hoa - 3

Đã 30 Tết nhưng nhiều nhà vườn vẫn gắng gượng ở lại bán mai với hy vọng vớt vát chút vốn để đầu tư vụ sau (Ảnh: Doãn Công).

"May cho tôi còn bán sỉ được 150 chậu cho thương lái ở Đắk Nông. Bán được cây mai "chua" lắm, thức trắng đêm canh để bán cho khách chạy xe Bắc - Nam. 1-2h sáng, khách dừng xe hỏi mua, mắt nhắm mắt mở dậy thì khách trả giá thấp tận đáy rồi nhảy lên xe chạy. Trời lạnh, mất ngủ, lắm lúc nghĩ cũng tủi nhưng làm nghề phải chịu", ông Lai nói.

Ông Lai nói tiếp: "Cây mai tôi vừa bán giá 200 nghìn đồng, hôm đầu mới đem mai lên quốc lộ 1 bán, khách đã trả giá 450 nghìn nhưng chưa bán vì mới ngày đầu không thể bán giá đó được. Vậy mà 29 Tết, khách trả còn 200 nghìn đồng. Trồng được cây mai đến lúc bán phải mất 3-4 năm trời. Tốn biết bao nhiêu chi phí, công sức đổ ra mà khách trả 200 nghìn đồng".

Mai ế ẩm, nông dân trắng đêm ngóng khách mua hoa - 4

Tối 29 tháng Chạp, dọc quốc lộ 1, người trồng mai ở An Nhơn vẫn trắng đêm để bán cho khách (Ảnh: Doãn Công).

Mai ế ẩm, nông dân trắng đêm ngóng khách mua hoa - 5

Khách đi xe Nam - Bắc dừng lại mua mai (Ảnh: Doãn Công).

Một chủ vườn khác ở thôn Thanh Liêm (xã Nhơn An) - địa phương trồng mai nhiều nhất thị xã An Nhơn, phân trần: "Người mua thì ít, người xem thì nhiều, bình thường đúng giá cây mai phải bán hơn 1 triệu đồng mới có lãi. Hôm nay, ngày cuối đã hạ giá thấp hết mức chỉ 600 nghìn đồng, hy vọng gỡ gạc ít vốn đầu tư vụ sau nhưng khách mua trả 400 nghìn đồng rồi bỏ đi. Buồn lắm!".

Mai ế ẩm, nông dân trắng đêm ngóng khách mua hoa - 6

Người dân thu dọn để về nhà lo Tết (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Phan Long Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, toàn xã có khoảng 1.600 hộ trồng mai. Đến 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần, ước tính doanh thu của cả xã từ hoạt động bán mai khoảng 65 tỷ (năm ngoái 72 tỷ đồng).