1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mái chùa của sinh viên nghèo

(Dân trí) - Ngôi chùa nằm kín đáo trong nội ô TP Cần Thơ, được xây dựng từ những năm 1950 với kiến trúc khá độc đáo theo hệ phái nam tông Khmer. Nơi đây không chỉ là nơi cúng tế mà còn là điểm đến của nhiều sĩ tử, sinh viên nghèo.

Đó là chùa Viễn Quang (Chùa Pitu Khôsa Răngsây), tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

 

Nhà chùa như một khu kí‎ túc xá

 

Cổng chùa rộng dẫn vào tịnh thất và trang đường với tranh tượng phù điêu chạm trổ tinh vi, những ngọn tháp sặc sỡ cong vút. Tòa chánh điện nằm ở giữa đang được xây dựng lại, rộng và cao hơn. Giữa cái nắng đổ lửa, vài chục con người hí hoáy xúc cát, trộn hồ… mồ hôi nhễ nhãi. Họ chủ yếu là sinh viên đang nghỉ hè, phụ giúp nhà chùa xây tòa chánh điện.

 

Một sinh viên tên Danh Tâm nói: “Đang nghỉ hè nên chúng em đang sửa lại “nhà” để đón thêm sinh viên”. Tâm quê ở Kiên Giang, ngày đi thi đại học, gia đình chỉ có vài trăm ngàn đồng để Tâm dắt túi, đến Cần Thơ không tìm được chỗ trọ, được người giới thiệu cậu tìm đến chùa Viễn Quang và ở lại cho đến nay.

 

Tâm chỉ là một trong số hơn 50 sinh viên đến từ các tỉnh ĐBSCL tá túc tại chùa. Thượng toạ Lý Hùng, sư trụ trì chùa Viễn Quang cho biết: Từ năm 1996, chùa là mái ấm của hàng trăm sinh viên, thí sinh nghèo trong vùng. Mỗi kỳ tuyển sinh, các sinh viên về quê nhường chỗ cho các thí sinh thi đại học, cứ thế đã thành truyền thống.

 

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng trang đường, dãy nhà rộng 200 m2 là nơi ăn nghỉ của các sinh viên. Những chiếc giường tầng được bố trí ngăn nắp y như khu kí túc xá. Sinh viên ở cạnh nhau thành 2 dãy dài ngăn nắp, trên đầu giường là kệ sách có đèn để học bài. “Còn chật nên nhiều sinh viên phải ở chung với các sư ở tịnh thất. Sắp tới tòa chánh điện hoàn thành, chùa sẽ có thể tiếp nhận thêm 50 sinh viên nữa”, sư trụ trì cho biết.

 

Chánh điện là nơi cho các sinh hoạt lễ nghi, trước đây chỉ có một tầng, Thượng toạ Lý Hùng đã vận động chính quyền và nhân dân xây thành 2 tầng, tổng diện tích hơn 500 m2, tầng trên sẽ thành chỗ ở cho sinh viên nghèo, có cả phòng đọc và máy vi tính.

 

Sinh viên tại chùa Viễn Quang ăn ở và sinh hoạt trong chùa cùng các phật tử. Mỗi sinh viên đóng 90 ngàn đồng/tháng gồm tiền ăn và tiền điện nước. Thượng toạ Lý Hùng tâm sự: “Mỗi bữa ăn các em chỉ phải đóng 2.000 đồng góp phần cùng với nhà chùa, em nào không đủ điều kiện thì thôi. Nhiều em hoàn cảnh quá khó khăn được chùa mua tặng sách vở và dụng cụ học tập”.

 

Sư thầy như một người cha

 

Để có tòa chánh điện rộng rãi, tiếp nhận thêm sinh viên, sư trụ trì Lý Hùng đã mất hơn một năm đi khắp nơi vận động bà con đồng bào phật tử trong và ngoài nước, quyên góp được số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Hơn 10 năm làm trụ trì chùa Viễn Quang, sư thầy đã tiếp nhận và giúp đỡ hơn 200 sinh viên nghèo ra trường. Sư thầy nói: Điều đáng mừng nhất là các em đến đây ăn học đều đỗ đậu cử nhân, khoảng 90%”.

 

40 tuổi, dáng người thanh cao và giọng nói nhỏ nhẹ, Thượng toạ Lý Hùng cho biết năm 1990, thầy từ Ô Môn đến Cần Thơ để học bổ túc văn hóa. Được nhà chùa cưu mang ăn học thành tài, thầy đến với Phật và năm 1996 được cử làm trụ trì của chùa. Hiện thầy là Phó ban trị sự chuyên trách Phật giáo Nam Tông. Thầy còn là cử nhân luật, cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Cần Thơ.

 

Sư thầy rất bận rộn với nhiều công việc, hiện tại là chương trình vận động các cơ quan đoàn thể xây dựng quỹ khuyến học cho thanh niên Khmer. “Mỗi đợt các sinh viên đến chùa mừng lắm, đặc biệt là con em dân tộc Khmer, vì trình độ học vấn của họ được nâng cao. Ngặt nỗi, điều kiện của chùa còn khó khăn, chưa giúp hết các em được”.

 

Thượng toạ Lý Hùng cho biết mỗi lần tiếp nhận sinh viên vào chùa lại mất cả một công đoạn giúp họ hòa nhập. Từ việc làm quen nơi ở, sinh hoạt, đến hướng dẫn các lễ nghi, một tay sư đảm nhiệm. Sinh viên muốn ra khỏi chùa vào ban đêm phải xin phép, mọi sinh hoạt bên trong đều tuân thủ quy tắc, nhờ vậy dù đông sinh viên nhưng chùa vẫn luôn giữ được sự thanh tịnh.

 

Hơn 10 năm, sinh viên lưu trú tại chùa Viễn Quang lưu giữ hình ảnh một vị trụ trì áo vàng hằng đêm trò chuyện tâm tình, cùng chia sẽ với khó khăn của họ. Không chỉ giúp đỡ về vật chất, sư thầy còn dạy cho sinh viên những bài học về Phật pháp, giúp họ sống tốt đời đẹp đạo.

 

Hơn 100 con người đến rồi đi, nhiều lúc sư thầy chẳng nhớ hết tên, chỉ có những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn là nhớ mãi. Nhiều em đến xin ở tại chùa, một thời gian thấy không hòa nhập được lại xin đi, sư thầy mỉm cười đưa tiễn, nhiều em đi rồi nhớ lại xin quay về, sư thầy lại dang tay đón nhận.

 

Có nhiều sinh viên gắn bó với nhà chùa gần 10 năm, xem sư thầy như một người cha thật sự. Nhiều sinh viên khác nay đã là công chức bận rộn không về được vẫn thường điện thoại về cho thầy, khóc và kể chuyện đời. Sinh viên nơi đây thường gọi sư thầy bằng tiếng “cha” trìu mến.

 

10 năm, nhiều cuộc tiễn đưa nhưng vị sư trụ trì vẫn tâm sự vui nhiều hơn buồn, vì mỗi lớp người đi lại thêm một lớp người đến, trọ ở đây để được tôi luyện thành người.

 

Huỳnh Hải