Nghệ An
Mắc cạn giữa lòng hồ thủy điện
(Dân trí) - Khi thủy điện Bản Vẽ tích nước, một vùng mênh mông lòng hồ đã biến mất. Thay vào đó là một khối lượng lớn đất bùn bồi lắng khiến dòng chảy bị biến dạng. Người dân khốn đốn vì bị mắc cạn ngay giữa vùng lòng hồ.
Lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đoạn đia qua bản Tổm (xã Nhôn Mai, Tương Dương) bị cạn đến đáy
Từ tháng 1/2012, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (xã Tương Dương, Nghệ An) phát điện cả 2 tổ máy khiến dòng Nậm Nơn cạn kiệt, nước sông xuống dưới cao trình 167m, gần với mực nước chết. Mực nước quá thấp, cộng với việc đất trên núi bị ngâm nước lâu ngày bở ra rồi trôi xuống khiến lòng sông bị bồi lắng, giao thông đường thủy trong và ngoài lòng hồ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, đây là con đường độc đạo để có thể đi vào các xã Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương) và một số bản thuộc 2 xã Bắc Lý, Mỹ Lý (Kỳ Sơn).
Dọc đường vào lòng hồ, đoạn đi qua bản Tổm (xã Nhôn Mai) chúng tôi không còn nhận ra cái mênh mông, kỳ vĩ của lòng hồ thủy điện lớn vào bậc nhất Bắc Miền Trung nữa. Thay vào đó là những cánh rừng chết khô, dòng chảy cạn thểu đục ngầu, những bãi đá như những chiếc bẫy giăng ra để “hành hạ” cả thuyền lẫn người dân đi qua. Có nhưng nơi, bùn bồi lắng hàng chục cm.
Hàng chục thuyền bè cũng hàng hóa và người bị mắc cạn ngay giữa lòng hồ
Chủ thuyền phải huy động lực lượng để kéo thuyền qua bãi đá
Đến địa phận bản Tổm, hàng chục chiếc thuyền đều phải tập kết chỗ nước sâu nhất. Sau đó, toàn bộ hàng hóa trên thuyền sẽ được “tăng bo” qua điểm khác. Chủ thuyền phải huy động gần cả chục người hỗ trợ để kéo thuyền qua bãi đá. Tuy nhiên, đối với những loại thuyền lớn, chỉ có một cách là neo thuyền lại đó đợi nước lên nhưng giữa thời tiết khô hạn như hiện nay, không biết những chiếc thuyền này sẽ phải đợi ở đây đến bao lâu nữa.
Nguy hiểm hơn, sau khi bùn lắng lại trong thời tiết khô nắng tạo thành lớp bùn khô ở bề mặtđất, nếu vô tình đi qua khu vực này, người dân có thể bị lún sâu xuống hàng chục mét, nguy hiểm đến tính mạng. Để khắc phục việc nguy cơ sụt lún, người dân đã có sáng kiến dùng cây tre bắc cầu khỉ để đi, tuy nhiên, phương án này cũng gây nguy hiểm cho chính họ. Rất nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm được bà con mua về cung cấp cho người dân phía trong lòng hồ cũng bị ùn ứ tại bản Tổm. Hiện tại nan giải nhất là đang vào mùa đói giáp hạt nhưng không thể đưa gạo lên cho bà con bằng đường thủy. Mặt khác, các giáo viên và các em học sinh cũng gặp khó khăn về đi lại khi mùa thi đang ở trước mắt.
Không nhờ được người kéo, nhiều chiếc thuyền phải chấp nhận nằm chờ ở đây đợi nước lên
Người dân lội trong lớp đất bồi lắng cao đến hàng chục cm
Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ tính từ giữa tháng 4 tới nay đã có 5 chiếc thuyền của bà con dân bản bị lật ở khúc sông này do va phải đá. Rất may không có thiệt hại về người. Ông Lô Thanh Viết (xã Nhôn Mai) vẫn chưa hết hoàn hồn kể lại: “Hôm 30/4, tôi lái thuyền chở cả nhà ra thị trấn mua ít đồ. Trên đường về, khi đi qua đây thì nước chảy xiết, bãi đá trơ ra nên phải cho thuyền len lỏi qua những gốc cây giữa dòng sông nên bị lật. Gần 20 triệu hàng hóa vừa mới sắm rơi cả xuống sông, may mọi người đều biết bơi nên thoát chết”. Mới đây nhất, vào ngày 8/5, chiếc thuyền của đoàn công tác UBND huyện Tương Dương vào kiểm tra hiện trạng lòng hồ bị cạn cũng bị lật ngay trên chính khúc sông này.
Không chỉ khó khăn, vất vả trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa mà nguồn sống của người dân vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đánh bắt thủy sản là nguồn thu nhập chủ yếu của không ít hộ dân thế nhưng mực nước quá thấp, nước đục ngầu bởi bồi lắng quá nhiều khiến nguồn lợi thủy sản đang dần biến mất. Không những thế, hiện tường này cũng khiến hàng trăm hộ dân vùng lòng hồ đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Theo ông Phan Huy Chương - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An nguyên nhân của tình trạng này là do ngọn núi lở tại km54 xuống lòng sông khiến vùi lấp dòng chảy phía hữu ngạn Nậm Nơn và tạo nên một dòng chảy ở phía tả ngạn. Đây là đoạn có nhiều thác ghềnh, độ dốc lớn nên việc đi lại rất khó khăn và hết sức nguy hiểm. Nguy cơ xảy ra hiện tượng này đã được ngành GTVT tỉnh cảnh báo trong cuộc làm việc với Công ty Thủy điện Bản Vẽ và huyện Tương Dương tháng 9/2011.
Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Trước mắt, khi chưa có giải pháp khắc phục dòng chảy, huyện cắt cử người trực tại điểm sông bị bồi lấp hướng dẫn việc lưu thông của người dân và thuyền bè, cảnh báo nguy hiểm cho người dân, không dùng sào nứa bắc qua bùn lầy để đi lại qua khu vực này tránh thiệt hại về người và tài sản của đồng bào. Huyện cũng đã gửi văn bản kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có biện pháp hỗ trợ khơi thông dòng chảy, giúp người dân đi lại và lưu thông hàng hóa, không để các bản làng lòng hồ bị cô lập”.
Người dân 4 xã vùng lòng hồ khốn khổ với việc lưu thông qua con đường độc đạo này
“Về lâu dài cần phải thanh thải thác, khơi thông, hạ thấp dòng chảy của thác đồng thời thanh thải đất ở km54, tránh tình trạng đất tiếp tục lắng xuống dưới sông. Nếu không kịp thanh thải sẽ ảnh hưởng và gâylở núi ở khu vực khác. Khi chưa thể thanh thải được đất đá tại km54 thì cần phải dọn cây cối dưới sông để khơi thông dòng chảy và lấy đường cho thuyền bè đi lại và dùng máy phun vòi rồng đánh tan lớp bùn, vật cản như cây, đá, dùng kè để nắn tạo dòng chảy mới. Tuy nhiên biện pháp này cũng hết sức khó khăn trong khi mùa lụt tiểu mãn đang đến gần” ông Phan Huy Chương cho biết thêm.
Trong khi chờ các ngành chức năng giải quyết thì người dân vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đang hết sức khốn đốn vì bị mắc cạn ngay giữa lòng hồ.
Quang Anh - Xuân Lâm