1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ma Coong - tiếng trống thiêng chao đảo đại ngàn...

(Dân trí) - Cứ đến 16 tháng Giêng âm lịch, khi con trăng tròn vành vạnh soi tỏ núi rừng, người Ma Coong khắp nơi lại đạp rừng băng suối về bản Cà Roòng (Thượng Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình) để dự lễ hội đập trống.

Tiếng trống thúc giục, ánh lửa bập bùng, men rượu ngây ngất, cả núi rừng cũng say...

Ra Giêng năm Đinh Hợi ấy, tôi đã định lên tàu ra Hà Nội tiếp tục công việc nhưng chân bước chẳng đành trước lời mời không giấu sự háo hức của anh bạn thân: "Ở lại, đợi rằm tháng giêng lên Ma Coong đập trống". Cái kiểu mời úp úp mở mở, hai con mắt lại sáng rực lên như thế mấy ai từ chối được. Thế là ở lại, thế là đi.
 
Ma Coong - tiếng trống thiêng chao đảo đại ngàn... - 1

16 tháng Giêng, tôi tót lên yên ngựa sắt thẳng bản Cà Roòng. Nửa ngày vượt núi, đạp đá tai mèo trên những cung đường nguyên sơ, đến Cà Roòng mặt trời đã nấp sau triền núi. Cái rét se sắt của núi, cái ánh bàng bạc của sương phủ lên những mái nhà đã khiến lòng tôi lâng lâng. Tiếng trai làng, gái bản nghe đã ráo riết, tiếng chân đi nghe đã bồi hồi. Không chỉ dân bản Cà Roòng, mà các bản A Ky, Cồn Roày, Cờ Đỏ, thậm chí đồng bào Ma Coong từ Lào đã kéo về đây rất đông, trai có, gái có, già có, trẻ có.

Tới một bãi đất trống, thấy mấy chàng trai bản cởi trần đang khẩn trương bịt trống, dựng rạp. Theo phong tục, người Ma Coong chọn cây chi-cúp (một loại cây thuốc quý, rỗng ruột sống trong rừng già Trường Sơn), xẻ ra làm tang trống. Tang trống dùng hết năm này tới năm khác, tới lúc hỏng thì thôi. Năm nay, dân bản Cà Roòng đã chọn được một tấm da trâu tốt để bịt trống. Con trâu to, khỏe nhất làng đã được mổ trước đó nửa năm, riêng bộ da được gác trên giàn bếp. Trai bản lấy tấm da đó làm mặt trống, lấy dây mây rừng néo chặt rồi then lại bằng những mộng tre già. Cái trống làm xong, xù xì như một quả cầu gai góc. Một chàng trai bản vung dùi đập thử nghe "thùng, thùng". Tiếng trống cũng như tiếng người Ma Coong, đã bao đời nay vẫn vang vang giữa muôn trùng rừng núi, không con ma rừng, con thú dữ nào át đi được.

Bóng tối ập đến nhanh không ngờ. Người đứng cách nhau năm bước chân không tỏ mặt nhau. Chỉ nghe tiếng nói thậm thì, tiếng cười rúc rích, tiếng bước chân rậm rịch hối hả. Rồi ánh lửa vàng bùng lên, xua tan cái bóng đêm và màn sương đặc quánh. Bóng trăng rằm tròn lẵn đang đội núi mà lên, soi tỏ những dãy chum ché đựng đầy rượu nếp nấu bằng men lá rừng thơm lựng.
 
Ma Coong - tiếng trống thiêng chao đảo đại ngàn... - 2

Trống được treo lên trang trọng. Lễ hội bắt đầu, tiếng nói chuyện lặng phắc khi già làng Đinh Keo từ từ bày lễ lên hương án. Trên hương án có sáu mâm cỗ, mỗi mâm một con gà, một líp xôi, một ít măng rừng. Trước mỗi mâm là một hũ rượu, loại rượu nếp men rừng được dân bản Cà Roòng cẩn thận cất cả năm trời mới đem ra cúng Giàng. Năm người chủ lễ là người đứng đầu năm dòng họ lớn trong làng, đứng nghiêm trang bên già làng. Đinh Keo tay thắp nến, miệng khấn bằng cái giọng trầm trầm mà vang như tiếng vọng của núi rừng: "Khấn mời Giàng, mời con ma mót về ăn xôi, uống rượu, coi lễ hội... Khấn Giàng phù hộ cho lúa trĩu hạt, ngô đầy bồ để người Ma Coong có cái ăn, sinh sôi như cái cây trên rừng, con suối trước bản...".

Đám trai làng gái, bản như bứt rứt bởi sự im lặng, ngay sau tiếng phát lệnh của già làng, cả dân bản và những người khách lạ cùng ùa đến, ai cũng muốn là người đầu tiên cầm dùi đập trống. Ánh lửa bùng lên, nổ tanh tách. Tiếng trống rền vang thúc giục, những ché rượu cần vơi vơi không ngớt. "Roa lữ Giàng ơi..." (Vui quá Giàng ơi), tiếng hò hét của đám gái trai như chuếnh choáng, chơi vơi giữa núi rừng. Hết người này rồi người khác, cứ lần lượt cầm dùi đập trống. Thùng thùng thùng, tiếng trống hòa trong tiếng hét, tiếng cười nghe phấn khích đến từng thớ thịt. Ai đánh trống cứ đánh, ai không đánh thì nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa, chốc chốc lại lảo đảo đến bên ché rượu cần hút một hơi thật đã. Tôi men đến gần một cô sơn nữ tuổi trăng tròn, ánh mắt cô nhìn tôi tình tứ đến nao lòng. Chúng tôi hút cạn một hơi rượu cần, rồi nắm lấy tay nhau như đã quen nhau tự thuở nào. Tay trong tay, vòng trong vòng ngoài, những bước chân chao đảo, những gương mặt rực hồng bên ánh lửa ngả nghiêng. Trời đất, núi rừng và ánh lửa thiêng cũng như say theo người Ma Coong...

Tiếng hát, những điệu nhảy, những hơi rượu nồng nàn tưởng như không dứt. Chợt "bùm" một tiếng, mặt trống vỡ toang. Tiếng hú, tiếng hò reo vang như sấm dậy. Dù đã lảo đảo vì men rượu, nhưng tôi vẫn đoán lễ hội đã dứt. Nhưng rồi những chàng trai, cô gái quanh tôi lần lượt dắt tay nhau đi. Họ đi vào rừng, ra bờ suối, tìm một hốc đá, một thảm cỏ để tự tình, yêu đương. Trong men say, tôi hiểu rằng đêm nay là đêm của tình yêu, của men say và của những đam mê đôi lứa. Một đêm của những mối tình vừa chớm, đêm của những đôi tình nhân một thuở vì muôn vàn lý do không đến được với nhau nay lại tìm về nhau.

Chợt cô sơn nữ bên tôi thẽ thọt: "Anh ơi, trống vỡ rồi...". Nhưng mun (em) ơi, đôi chân anh không thể bước đi được nữa, cả đất trời đang chao nghiêng rồi. Rồi bàn tay sơn nữ bịn rịn rút nhẹ, cô bước đi tìm một nửa cho mình. Tôi nhìn lại, thấy xung quanh chỉ còn những người già đang ngồi ôn tồn bên ché rượu, đám trẻ con ríu rít nghịch lửa. Không tìm thấy anh bạn thân, tôi ngồi xuống bên ánh lửa đang tàn, hút một hơi cho cạn rốc ché rượu đang vơi.

...

Ma Coong - tiếng trống thiêng chao đảo đại ngàn... - 3
 
Sáng Ma Coong trong trẻo, tiếng con gà rừng gáy vang cũng là khi màn sương mê mệt tan dần, ông mặt trời lại ló trên rặng núi. Cái rét lại trở về căm căm. Những gương mặt đỏ bừng bên ánh lửa đêm qua đã lại lên nương ngô, ruộng lúa. Họ lại là những chàng trai chăm chỉ, những cô gái đảm đang, những người vợ, người chồng mẫu mực.

Vẫn cái giọng trầm trầm đêm qua, Đinh Keo giải thích: "Lễ hội đập trống của người Ma Coong đã có từ lâu lắm rồi, từ khi tôi ra đời đã có lễ đập trống". Truyền thuyết người Ma Coong nói rằng từ ngày xửa ngày xưa, người bản dù quanh năm lam lũ nhưng vẫn đói triền miên. Nguyên do là có một con khỉ, cứ thấy người Ma Coong thu hoạch lúa, ngô đầy bồ là mang trống thần ra đánh. Lúa và ngô cứ thế ùa về nhà khỉ. Con người nghĩ mãi, cuối cùng đã chọn được một đêm trăng sáng, khi con khỉ đang no nê ngủ thì lấy được cái trống thần. Từ đó, cứ vào đúng ngày 16 tháng giêng, ngày con trăng tỏ nhất, người Ma Coong lại tổ chức lễ hội đánh trống để gọi ngô lúa, cầu mưa thuận gió hòa.

Dần dà, lễ hội càng to, trai gái các nơi đổ về nhiều thì nảy sinh tình cảm. Với chất "xúc tác" là bầu không khí rộn rã, men rượu ngất ngây và ánh lửa hừng hực trong lễ hội, lúc trống vỡ là thời điểm bắt đầu của một đêm tình ái lung linh giữa đại ngàn. Nhiều đôi từ đó mà thành vợ, thành chồng. Nhiều người cũng từ đó mà thổi bùng lại những mối tình thuở trẻ để rồi ngày mai trở về với công việc hàng ngày, mang theo lời hẹn "mùa đập trống năm sau"...
 
Lê Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm