Quảng Ngãi:
Lý Sơn “khốn đốn” vì thói quen xả rác ra biển
(Dân trí) - Với thói quen sinh hoạt của người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - “tuồn” rác sinh hoạt ra biển - nay xung quanh hòn đảo rộng chưa đầy 10km2 này đã tràn ngập rác.
Rác bủa vây đảo Lý Sơn
Chị Tôn Nữ Thanh Minh - du khách đến từ TPHCM, tâm sự: “Trên các phương tiện thông tin báo chí, tôi nghe nhiều điều thú vị về đảo Lý Sơn, điều đó thôi thúc tôi đến đây. Với mặt biển xanh biển bao quanh đảo, tạo nên một hòn đảo xanh biếc lạ thường. Đều đáng buồn, xung quanh đảo lại bị rác thải bao vây, khiến hình ảnh trong lành nơi đất đảo không còn nguyên vẹn như tạo hóa ban tặng cho Lý Sơn”.
Theo phong tục tập quán, hơn 21.000 dân trên đảo Lý Sơn thường xả rác thải ra biển, làm nguồn san hô, tảo biển và nguồn thủy hải sản ven đảo gần như cạn kiệt. Nhằm giải quyết tình hình trước mắt, UBND huyện Lý Sơn vận động người dân chôn rác thải trong vườn nhà. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thực hiện triệt để vì dân số đông, diện tích chật hẹp và thói quen lâu năm đã khó bỏ.
Bà Nguyễn Thị Thu (ngụ xã An Hải, Lý Sơn) cho biết: “Gia đình tôi có căn nhà chỉ vừa đủ ở, lấy vườn đất đâu mà chôn rác thải. Với thói quen lâu nay, chúng tôi đều đổ rác ra biển và biển cuốn trôi đi nơi khác, bao đời nay là thế mà có sao đâu”.
Chính vì ý nghĩ “có sao đâu” của người dân mà môi trường phong phú của đại dương đã dần bị tận diệt, đảo Lý Sơn dần bị biến thành “đảo rác”.
Lý Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục “Quy hoạch hệ thống Khu bảo tồn biển đến năm 2020” theo Quyết định 742/QĐ-TTG ngày 26/5/2010. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp thiết đối với huyện đảo này. |
Theo kết quả nghiên cứu, khu vực đảo Lý Sơn có trên 700 loài động và thực vật, bao gồm 137 loại rong biển, 157 loại san hô (độ phủ 90%), 7 loại cỏ biển, 40 loại da gai, 200 loại cá rạn, 96 loại giáp xác…, trong đó san hô đen, hải sâm, tôm hùm đã bị tận diệt hoàn toàn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do người dân khai thác san hô bừa bãi, khai thác hải sản bằng chất nổ, chất thải từ các khu dân cư được đổ thẳng ra biển gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh đảo Lý Sơn.
Trao đổi với PV Dân trí vào sáng ngày 23/7, ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn bày tỏ: “Rác thải chính là vấn nạn nguy cấp ở đây. Với phương án trước mắt là chôn rác thải, nếu phương án này tồn tại lâu thì ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt lẫn nước biển ven đảo. Chính vì vậy, huyện Lý Sơn đang trình đề án xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên đảo, với dự án khoảng 140 tỷ đồng. Chỉ có nhà máy này, trong tương lai xa, đảo Lý Sơn mới có thể xử lý toàn bộ rác thải, mang lại bầu không khí trong lành đón khách du lịch đến nơi đây”.
Cũng theo ông Nguyên, hiện nay diện tích đất bỏ hoang không còn, dân cư đông đúc, vì vậy điểm thu gom rác sẽ không phù hợp, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt người dân địa phương và du khách đến với đảo. Còn phương án xây dựng nhà máy xử lý rác thải thì phù hợp hơn, nhưng hiện nay, vốn đầu tư của địa phương không có nguồn bố trí nên đang chờ ý kiến bố trí nguồn vốn từ trung ương.
Hồng Long