1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Lý giải việc bão ngày càng mạnh hơn: Do đại dương nóng lên

(Dân trí) - Giáo sư Petterri Talaas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, qua nghiên cứu, thời gian gần đây có hiện tượng nóng lên toàn cầu làm cho đại dương cũng nóng lên, từ đó hơi nước bốc lên nhiều hơn làm cho các cơn bão mạnh hơn.

Chiều 27/2 tại Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra cuộc tọa đàm với chủ đề “Vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong phát triển bền vững”. Tọa đàm này là hoạt động nằm trong chương trình Khóa họp thường niên lần thứ 50 Uỷ ban Bão và các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão Quốc tế.

Các đại biểu được mời tham gia trao đổi tại cuộc tọa đàm.
Các đại biểu được mời tham gia trao đổi tại cuộc tọa đàm.

Tại tọa đàm, Giáo sư Petterri Talaas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, qua nghiên cứu, thời gian gần đây có hiện tượng nóng lên toàn cầu làm cho đại dương cũng nóng lên, từ đó hơi nước bốc lên nhiều hơn khiến cho các cơn bão mạnh hơn.

Để cải thiện tình hình trên, Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng Thế giới cho rằng, trong khoảng 50 năm tới đây, các thành viên của WMO cần chú trọng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ngăn chặn xu thế nóng lên toàn cầu nhằm ổn định nhiệt độ của bầu khí quyển, bên cạnh đó là nâng cao chất lượng cảnh báo sớm các hiện tượng khí hậu cực đoan…

Thông tin tại diễn đàn, PGS.TS Trần Hồng Thái - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia - Phó Chủ tịch Ủy ban Bão Quốc tế cho biết: Diễn đàn nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam năm nay đã quy tụ hàng trăm chuyên gia khí tượng thế giới, cùng nhau nhìn nhận những khó khăn, tồn tại và cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm mới. Bên cạnh đó, thống nhất nhận định xu thế khí hậu năm 2018 và chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch phòng chống thiên tai.

Theo ông Trần Hồng Thái, khó khăn hiện nay, đó là mạng lưới quan trắc của Việt Nam còn thưa, chỉ đạt mật độ 20 -30 % so với khu vực, khoảng 50% trạm tự động, còn nhiều trạm đo thủ công. Nguồn lực đầu tư cho mạng lưới quan trắc, truyền tin, dự báo còn hạn chế. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, chi tiết hóa các dự báo điểm… Đây là hành động cần sự chung tay của các Bộ ngành, địa phương để làm sao đưa ra các bản tin gần thực tế, dễ sử dụng hơn.

"Hiện nay Việt Nam đã phối hợp với Hàn Quốc để nhận được sự hỗ trợ không hoàn lại để xây dựng hệ thống quan trắc giám sát ở Đài khu vực Đông Bắc của chúng ta một cách toàn bộ. Ngoài ra, chúng ta đang được Nhật Bản, Phần Lan hỗ trợ để xây dựng một hệ thống ra đa mới nhất, dự kiến vào năm 2020 sẽ bắt đầu vận hành. Chúng tôi tin rằng, với công nghệ đó, cùng với những hoạt động mà chúng ta cũng đang tích cực như trao đổi những ảnh viễn thám, ảnh vệ tinh trên khu vực Việt Nam và Việt Nam cũng đã được nhận từ các nước cung cấp cho các trạm thu vệ tinh" - ông Thái cho biết.

Giáo sư Petterri Talaas trao đổi với phóng viên báo chí bên lề cuộc hội thảo.
Giáo sư Petterri Talaas trao đổi với phóng viên báo chí bên lề cuộc hội thảo.

Giáo sư Petterri Talaas cho biết thêm, các nước tham gia WMO đều được hưởng mặt chung là tất cả các dữ liệu thu thập từ các thành viên của tổ chức đều được chia sẻ giữa các thành viên với nhau, trong đó có cả các quan trắc về mặt đất, quan trắc về bóng thám không gian, quan trắc về ra đa, quan trắc về ảnh mây vệ tinh, các mô hình dự báo có chất lượng tốt nhất trên thế giới để ứng dụng vào trong nghiệp vụ dự báo.

WMO có thể giúp được các nước thành viên, trong đó có Việt Nam là tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn. Trong đó, WMO mời các chuyên gia hàng đầu từ các trường đại học nổi tiếng trên thế giới để giúp các nước thành viên có thể tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới để ứng dụng trong nghiệp vụ.

"Tôi cũng đã nói với ngài Phó Thủ tướng của Việt Nam là cần đầu tư nhiều hơn cho ngành khí tượng thủy văn, đầu tư ở đây có 2 mặt: Kinh tế để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm đo đạc tự động, các công nghệ về ra đa, vệ tinh, các năng lực tính toán để chạy các mô hình có độ phân dải cao; đầu tư thứ 2 là nguồn nhân lực, để làm sao khai thác có hiệu quả nhất nguồn số liệu, thông tin mà hiện nay đang rất đa dạng đến từ các nước phát triển trên thế giới mà cung cấp cho các thành viên thuộc WMO" - Giáo sư Petterri Talaas nói.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực dự báo thiên tai

Cũng trong ngày 27/2, Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng thế giới Petteri Taalas có cuộc gặp, làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò của WMO và cá nhân Tổng Thư ký Petteri Taalas trong việc hỗ trợ các nước thành viên thực hiện công tác dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Petteri Taalas tại trụ sở Chính phủ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Petteri Taalas tại trụ sở Chính phủ

“Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những hỗ trợ của WMO và ngài Tổng Thư ký trong việc nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, quan trắc, giúp các quốc gia ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Việt Nam nhận thức rằng cần phải có các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng, hình thành hệ thống cảnh báo sớm, với độ chính xác cao để có thể đưa ra những giải pháp ứng phó kịp thời.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ luôn sẵn sàng thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế hướng đến việc thực hiện phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra, đảm bảo việc vận hành tốt Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực; chuẩn bị cho việc trở thành trung tâm chỉ dẫn cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á; tích cực tham gia đóng vai trò chủ động và quan trọng trong các chương trình hợp tác, hoạt động của WMO.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị ông Petteri Taalas và WMO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và quan trắc, giám sát khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; mở rộng khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu toàn cầu và công nghệ dự báo hiện đại nhằm ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0; đa dạng hóa các bản tin dự báo, cảnh báo; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khí hậu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện và ủng hộ Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và các lĩnh vực liên quan khác; thực hiện tốt các điều ước quốc tế nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong khu vực và trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký WMO chia sẻ với Việt Nam về những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra thời gian qua và khẳng định, để có thể ứng phó hiệu quả với thiên tai, Việt Nam cần có năng lực cảnh báo sớm với độ tin cậy cao, cũng như những công nghệ hiện đại.

Ông Petteri Taalas cũng đánh giá cao và đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực khí tượng, thủy văn, đặc biệt là chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư các trạm quan trắc tự động, hiện đại.

“Việt Nam hoàn toàn có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cảnh báo, ứng phó với thiên tai toàn cầu”, ông Petteri Taalas nói và khẳng định WMO sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ trong lĩnh vực này. WMO cũng sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc huy động, kêu gọi nguồn lực để đầu tư cho việc nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để huy động thêm nguồn lực từ xã hội. Ông Petteri Taalas cũng đề nghị Việt Nam sớm cử đại diện thường trực tại WMO.

P.T

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm