Lý do ít Bộ trưởng chú ý thể chế, ít Vụ trưởng Pháp chế lên Thứ trưởng
(Dân trí) - Chủ tịch VCCI băn khoăn, rất ít Bộ trưởng có mặt tại hội nghị Chính phủ về xây dựng thể chế. Thủ tướng cũng nêu thực tế, ít Bộ trưởng chú ý Vụ Pháp chế, ít Vụ trưởng Pháp chế có thể lên Thứ trưởng…
Thực tế này được nêu tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, sáng 24/11.
5 năm ban hành 71 luật
Báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận định, nhiệm kỳ này, hệ thống pháp luật của Việt Nam không ngừng hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực.
Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.
Mặc dù khó lượng hóa nhưng hệ thống pháp luật đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ông Hiếu cho biết, trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản (71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội), giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015.
Việc giảm về số lượng được Bộ Tư pháp nhìn nhận là thể hiện chuyển dần theo hướng chỉnh tinh hệ thống pháp luật, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.
Một điểm nổi bật là nhiều đạo luật quan trọng về kinh tế được ban hành, sửa đổi, bổ sung, như Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư năm 2020…
Ghi nhận những kết quả được nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, kết quả hoạt động lập pháp là niềm tự hào của Quốc hội khóa này, khi hoàn thiện được hệ thống pháp luật đồ sộ, bao quát mọi lĩnh vực của đời sống.
Tuy nhiên, ông Lưu cũng cho rằng, cần thẳng thắn thừa nhận những điểm hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật tính khả thi chưa cao, đời sống của nhiều văn bản pháp luật còn ngắn, thường xuyên phải sửa đổi. Một số quy định còn chồng chéo cần tiếp tục rà soát để bổ sung, sửa đổi. Việc tổ chức thực hiện pháp luật vẫn luôn là khâu yếu, thực tế có không ít biểu hiện cho thấy hiện tượng vi phạm pháp luật một cách phổ biến, hồn nhiên…
Kẽ hở “cài cắm” lợi ích trong xây dựng chính sách
Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã nêu yêu cầu cao rằng trong đầu mỗi lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan luôn phải có 6 chữ “thể chế, thể chế và thể chế” nhưng đáng tiếc, tại hội nghị về xây dựng thể chế này lại rất ít Bộ trưởng, Trưởng ngành tham dự. Điều này cũng phản ánh một phần thực tế hiện nay, nhiệm vụ xây dựng thể chế với một số bộ ngành, chỉ được làm một cách hình thức, không thực chất nên văn bản ngay từ khi ban hành đã bất hợp lý, sớm phải sửa đổi.
Chủ tịch VCCI lập luận, nếu coi trọng xây dựng thể chế thì hội nghị này phải có nhiều bộ trưởng tham gia, chứ không phải chỉ giao việc xây dựng thể chế và pháp luật cho các Thứ trưởng. Ông Lộc đề nghị các Bộ trưởng phân công cho chính mình xây dựng thể chế chứ không phân công nhiệm vụ quan trọng này cho Thứ trưởng.
Chủ tịch VCCI cũng đề nghị cần trung lập các cơ quan xây dựng pháp luật tại các bộ, nên để Vụ Pháp chế hay Vụ Tổng hợp tham mưu, dự thảo các văn bản pháp luật trên cơ sở đề xuất của Vụ Chuyên ngành để giữ được sự khách quan trong xây dựng thể chế. Theo ông Lộc, các vụ, cục quản lý chuyên ngành chủ trì xây dựng luật thì khó tránh tư duy “cài cắm” lợi ích, “quyền anh, quyền tôi” trong việc làm chính sách.
Ông Lộc cũng kêu gọi tăng cường nguồn nhân lực ưu tú để xây dựng thể chế.
Đồng ý với những kiến giải của ông Lộc, nói về việc đầu tư nguồn nhân lực cho công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tôi đã nói nhiều lần ý này và giờ vẫn phải nói lại một lần nữa: bộ máy, biên chế cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn lực thực hiện việc này cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Tôi nói mấy lần rồi, ít Bộ trưởng tới thăm Vụ Pháp chế của Bộ, cũng ít Vụ trưởng Pháp chế nào được bổ nhiệm lên được Thứ trưởng".