1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lường trước mưa bão, mất điện, đảm bảo không gián đoạn bầu cử

(Dân trí) – Các công tác chuẩn bị cuối cùng trước “giờ G” ngày 22/5 đã sẵn sàng. Thứ trưởng Nội vụ Trần Hữu Thắng yêu cầu cần tính các trường hợp thiên tai, bão lũ bất khả kháng để ứng phó, đảm bảo cuộc bỏ phiếu diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.

Thông tin về công tác chuẩn bị bầu cử trong cuộc giao lưu trực tuyến tại website Đảng Cộng sản hôm nay, 17/5, Thứ trưởng Trần Hữu Thắng lý giải nhiều băn khoăn trước “giờ G”.

Về vấn đề phiếu bầu, theo quy định trước đây, đối với đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND các cấp có 3 màu phiếu. Lần này, Hội đồng bầu cử TƯ đã thống nhất để các địa phương có thể tự quyết định màu phiếu của mình và đảm bảo các màu phiếu phải khác nhau.
Lường trước mưa bão, mất điện, đảm bảo không gián đoạn bầu cử - 1
Thứ trưởng Trần Hữu Thắng (bìa phải) thông tin tại cuộc giao lưu trực tuyến (ảnh: cpv.org.vn)

Trước lo ngại về số lượng con dấu tăng lên nhiều so với các kỳ bầu cử trước vì số tổ bầu cử tại mỗi địa phương rất lớn như Thanh Hóa trên 5000 tổ, Hà Nội trên 4800 tổ, ông Thắng cũng đưa ra phương án linh hoạt nhất. Theo quy định, đáng ra cần khắc con dấu mới nhưng việc này sẽ rất khó khăn trên địa bàn cả nước. Vì vậy, Hội đồng bầu cử TƯ đã quyết định cho phép một số địa phương dùng con dấu cũ nhưng phải có báo cáo, thống kê để tránh nhầm lẫn.

“Chốt” thời gian giới hạn bỏ phiếu trong ngày 22/5, ông Thắng lưu ý, việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối. Tuỳ tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá mười giờ đêm.

Thứ trưởng Nội vụ đặc biệt nhấn mạnh các phương án để đảm bảo ngày bầu cử tuyệt đối an toàn. “Cần tính đến các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, bão lũ, mưa to để kịp thời ứng phó, tạo mọi điều kiện để cuộc bỏ phiếu được diễn ra liên tục, không bị gián đoạn” – ông Thắng trao đổi.

Bước chuẩn bị cuối cùng, ông Thắng yêu cầu rà soát, kiểm tra số lượng cử tri trên địa bàn, chú ý các cử tri có hộ khẩu thường trú nhưng đang đi làm ăn xa, số cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu nơi khác, số cử tri chưa đăng ký đi bỏ phiếu nơi khác, có thống kê, tổng hợp cụ thể số cử tri này, đảm bảo sự chủ động cho Tổ bầu cử trong ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu.

Ngay cả số cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật có thể đến ngày bầu cử không đến được phòng bỏ phiếu cũng được rà lại để có phương án phân công các thành viên Tổ bầu cử mang phiếu và hòm phiếu phụ đảm bảo tất cả cử tri đều được thực hiện quyền bầu cử theo quy định pháp luật.
 

Về một số cơ cấu cơ kết hợp như tỷ lệ phụ nữ, tuổi trẻ, ngoài Đảng của ứng viên đại biểu QH hiện không đạt “chỉ tiêu”, thấp hơn khoá XII, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Nguyễn Văn Pha khẳng định không đáng lo ngại. Lý do, những người còn lại trong danh sách ứng viên chính thức đều là những người tiêu biểu nhất trong số những người ứng cử và một số chỉ số về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn đều cao hơn so với khoá trước.  

Đến thời điểm này, có tổng số 827 ứng viên đại biểu QH. Trong đó, có 118 người là người ngoài Đảng, chiếm tỉ lệ 14,27%; có 183 người là đại biểu Quốc hội khóa XII tái ứng cử, chiếm tỉ lệ 22,13%; có 15 người tự ứng cử, chiếm tỉ lệ 1,81%; có 304 người (36,76%) có trình độ trên đại học (khoá XII: 251 người); 492 người (59,49%) có trình độ đại học (khoá XII: 555 người, tỷ lệ 63,36%)…

P.Thảo 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm