1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Lương tối thiểu dù tăng vẫn “lạc hậu” với mức sống

(Dân trí) - “Người lao động đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế suy giảm. Hiện mức sống tối thiểu và lương tối thiểu vẫn còn là khoảng cách lớn. Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tục kiến nghị Chính phủ tăng lương phù hợp với thực tế”.

Đó là trao đổi của ông Phạm Quang Điều, Ủy viên đoàn Chủ tịch, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ), với PV Dân trí.

Trong những tháng đầu năm nay, nhiều người lao động (NLĐ) đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc khi doanh nghiệp (DN) đóng cửa, giải thể hàng loạt. Đứng trước những khó khăn này TLĐLĐ đưa ra biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ?

Trên thực tế, theo báo cáo TLĐLĐ nhận được trong những tháng đầu năm 2012, do khó khăn chung của nền kinh tế, từ đầu năm nay, số DN giải thể, đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân bởi nhiều DN không tiếp cận được với nguồn vốn, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và các ngành nghề liên quan. Kéo theo đó là hàng loạt lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm.
 
Tuy nhiên, DN dù phá sản hay giải thể cũng phải tuân theo nguyên tắc pháp luật, phía NLĐ mất việc cũng sẽ được hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Lao động như: chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian thất nghiệp, được giới thiệu việc làm miễn phí, được đào tạo nghề. Nếu ở những doanh nghiệp quy mô nhỏ dưới 10 người, hoặc NLĐ chưa đủ điều kiện hưởng BHTN thì vẫn được hưởng khoản trợ cấp mất việc cho thời gian không tham BHTN. Đây là khoản lấy từ nguồn của DN (theo quy định, các DN đều phải thành lập quỹ trợ cấp thôi việc mà mất việc).
 
Lương tối thiểu dù tăng vẫn “lạc hậu” với mức sống

Lương đã tăng nhưng chỉ đáp ứng 60- 65% nhu cầu tối thiểu của NLĐ

Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, hiện còn nhiều DN “quỵt” quyền lợi của NLĐ, thậm chí gây khó khăn trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục. Phía NLĐ thì không biết tìm đến tổ chức nào có bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Trên thực tế, ở những DN lớn, vai trò của công đoàn thể hiện rất rõ. Tuy nhiên nhóm DN này chỉ chiếm 5% nền kinh tế nước ta. Trong khi đó 95% DN ở quy mô nhỏ và đa phần không có tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, khi bị gây khó khăn, trù dập, NLĐ có thể nhờ đến sự trợ giúp của các công đoàn địa phương, quận, huyện. Các tổ chức này sẵn sàng trợ giúp bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. 

Hiện TLĐLĐ cũng đang thự hiện quá trình sửa luật công đoàn cũng như tham gia sửa bộ luật Lao động, theo đó đề nghị có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn hơn nữa.

Cũng theo khảo sát từ TLĐLĐ, mức lương tối thiểu dù đã tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi mức sống tối thiểu của NLĐ, thưa ông?

Đúng vậy, theo kết quả khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu của NLĐ khu vực doanh nghiệp, có 35,6% số NLĐ được hỏi cho biết thu nhập không đủ chi tiêu; 44,7% phải chắt chiu, dành dụm và thật tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình; chỉ 1,9% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích luỹ.

Trong năm 2011, do tỷ lệ lạm phát cao tác động đến đời sống NLĐ nên Chính phủ đã hai lần tăng lương tối thiểu. Theo thống kê sau 2 lần điều chỉnh tăng, lương tối thiểu của NLĐ đã tăng 25-30%. Tuy nhiên, trên thực tế mức lương tối thiểu (LTT) hiện nay vẫn còn lạc hậu so với mức sống tiểu thiểu (STT), chỉ đạt 60-65% so với thực tế. Cụ thể: Nghiên cứu của Viện Công nhân công đoàn cho thấy, mức STT ở khu vực (KV) 1- các thành phố lớn - là hơn 3 triệu đồng, nhưng LTT mới đạt 2 triệu (đáp ứng khoảng 60%). Ở KV2, mức STT là 2,8 triệu đồng nhưng mức LTT chỉ đạt hơn 1,7 triệu đồng. Còn KV3, mức STT là 2,6 triệu đồng, LTT là 1,6 triệu đồng. Tại KV4, mức STT là 2,4 triệu đồng nhưng LTT chỉ đạt 1,4 triệu đồng. Như vậy, lương của người lao động vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt.

Đứng trước khó khăn chung như hiện nay, TLĐLĐ đã tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ, sang năm 2013 phải điều chỉnh lương tối thiểu sao cho tiếp cận bằng mức sống tối thiểu, đảm bảo theo quy định của Bộ Lao động.

Thưa ông, vấn đề nhà ở xã hội cũng là bài toán chưa có lời giải, khiến đời sống NLĐ thêm gánh nặng?

Sau nhiều năm cả nước đã hình thành hơn 200 khu công nghiệp, chế xuất lớn, nhỏ nhưng vấn đề nhà ở cho NLĐ không hề phát triển song hành. Trong khi đáng lẽ từ khi thành lập những khu đặc thù này cần  phải có quy hoạch nhà ở cho NLĐ. Trong nhiều năm qua, liên đoàn đã gửi kiến nghị lên Chính phủ có cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho NLĐ. Trên thực tế, Chính phủ đã có cơ chế khuyến khích đối với DN xây nhà ở cho NLĐ nhưng đến nay vẫn không phát triển, vì nhà đầu tư không đầu tư, do thu hồi vốn lâu, không có lãi. Trong trường hợp này, Chính phủ cần có khoản đầu tư từ ngân sách như đã đầu tư nhà ở cho sinh viên.

Xin cảm ơn ông!

 Thanh Trầm