Nhiều doanh nghiệp “quỵt” quyền lợi của người lao động
(Dân trí) - Người lao động (NLĐ) đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khi nền kinh tế chung gặp khó khăn, khiến doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể hàng loạt. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, không ít DN đã “quỵt” quyền lợi của NLĐ.
Tình hình thực tế cho thấy, tiếp tục trong trong những tháng đầu năm nay, số lượng người mất việc làm trên phạm vi toàn quốc đã tăng nhanh, do hàng loạt doanh nghiệp(DN) rơi vào phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Như vậy, đời sống của nhiều người lao động (NLĐ) đang gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, Bộ có động thái gì hỗ trợ người lao động?
Hiện nay, Bộ đã có chỉ đạo các Cục Việc làm theo dõi biến động trên thị trường lao động nhằm đưa ra những điều chỉnh cụ thể, nhằm đưa ra chính sách, trợ giúp người lao động gặp khó khăn. Dù vậy, cần nhìn rõ, đặc điểm loại hình doanh nghiệp nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cả nước vẫn còn trên nửa triệu DN tư nhân đang hoạt động, sản xuất, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Do đó, “nội lực” của của DN thực sự chưa đủ để chống đỡ lâu dài, khi nền kinh tế chung gặp khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt doanh gặp bị phá sản khi thị trường thu hẹp.
Dù vậy, ở không những thành phố lớn vẫn có thêm doanh nghiệp mới thành lập, có nhiều dự án mới mở ra, cần nhiều nhân lực, NLĐ vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn. Vì thế, vẫn diễn ra hình thức dịch chuyển lao động từ khu vực này sang khu vực khác, hoặc người lao động tạm thời chưa tìm được việc làm do tìm nơi làm việc có điều kiện tốt hơn chỗ cũ, chứ không phải họ thất nghiệp do thiếu việc làm.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Không ít DN “quỵt” quyền lợi của NLĐ
Lại có thực tế, tại nhiều nơi, dù có việc làm nhưng NLĐ vẫn trong tình cảnh không hợp đồng, không bảo hiểm, không được hưởng bất cứ quyền lợi gì khi bị mất việc. Cơ quan chức năng đã làm gì để giải quyết thực trạng này?
Đây là một thực tế đang diễn ra ở xã hội, hiện tượng DN “quỵt” quyền lợi của NLĐ không phải là hiếm gặp ở thị trường lao động nước ta. Nguyên nhân, cũng xuất phát từ đặc điểm mô hình DN kinh doanh, sản xuất nhỏ chiếm tỷ trọng rất lớn khối DN. NLĐ thì trình độ hạn chế, nên thường tham gia công việc giản đơn, kéo theo hiểu biết về luật pháp mơ hồ. Nhiều người không biết cách bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi bị mất việc.
Đứng trước thực tế này, Bộ vẫn đang tiếp tục tăng cường giám sát, quản lý, kiểm tra, cũng như nâng cao nhận thức của DN trong vấn đề NLĐ chính là nguồn tạo ra lợi nhuận. Do đó, cần phải chia sẻ quyền lợi của mình với người lao động sao cho hài hòa.
Tuy nhiên, để bảo vệ mình, ngay bản thân NLĐ cũng cần trang bị thêm thông tin, có ý thức đòi hỏi quyền lợi của mình trong quá trình đàm phán với đối với chủ sử dụng lao động. Cùng đó, vấn đề cần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, tổ chức công đoàn hỗ trợ, luật pháp nhằm bảo vệ quyền lợi cho công đoàn viên là rất quan trọng và thiết yếu.
Để giải quyết phần gốc Chính phủ vẫn tiếp tục khuyến khích tăng quy mô DN. Điều này sẽ tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động, đồng thời tăng tính chất bền vững của DN.
Dù vậy, thưa Thứ trưởng, trong thời điểm hiện tại, mức lương của NLĐ đã và vẫn không đuổi kịp tốc độ “vũ bão” của giá, đặc biệt là giá thực phẩm. Đời sống của NLĐ đang ngày càng nhiều khó khăn?
Từ quý III năm 2011, Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu áp dụng 4 vùng trên toàn quốc trước lộ trình ( theo thông lệ, 1/1 hàng năm mới điều chỉnh tăng lương). Đây là động thái nhằm đảm bảo đời sống cho NLĐ trước tình hình lạm phát tăng cao.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay, Chính phủ chỉ có thể đưa ra quy định lương sàn, để DN không được đưa ra mức thấp hơn mà căn cứ vào đó quyết định mức lương trả NLĐ. Thường việc trả lương phải tùy theo năng lực, điều kiện mỗi DN. Như đã nói, cái khó nhất là năng lực DN. Trong khi ở nước ta, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực gia công, với năng suất thấp, nên mức lương họ trả NLĐ khó có thể cao mà chỉ quanh lương tối thiểu. Do đó, một mặt Chính Phủ phải nghiên cứu tăng dần mức lương sàn, đảm bảo đời sống NLĐ, nhưng mặt khác lại phải đảm bảo sự sống của DN. Dự kiến, trong năm nay, sẽ không có đợt tăng lương tối thiểu nào nữa. Đến quý III tới, Bộ mới tính toán công bố mức tăng lương tối thiểu cho năm sau (1/1/2013).
Đây là vấn đề quan trọng, nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định, giúp DN có thể tiên lượng được kế hoạch đầu tư sản xuất lâu dài. Thực sự, mỗi động thái điều chỉnh lương đều tác động rất lớn đến kế hoạch của họ.
Nhưng trong những tháng đầu năm nay, số lượng DN phá sản lớn hơn nhiều so với DN mới thành lập?
Bức tranh kinh tế Việt Nam có chỗ tối, nhưng vẫn còn những điểm sáng. Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết: vẫn có nhiều dự án nước ngoài vẫn đầu tư vào nước ta. Cùng đó, nhiều dự án khác vẫn duy trì đầu tư ổn định. Ví dụ Tập đoàn Nike Việt nam, vẫn duy trì sản xuất với số lượng lao động sử dung trên 200.000 người, phân bổ ở nhà máy khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Đến thời điểm này, Chính phủ cũng vẫn đang khuyến khích mọi thành phần kinh tế thành lập DN, tạo công ăn việc làm cho NLĐ, bởi ở nước ta số DN/ đầu người dân vẫn còn rất thấp.
Còn theo luật, kể cả khi DN phá sản cũng phải ưu tiên đầu tiên quyền lợi của người lao động trước tiên. Khi mất việc, nhiều người cũng đã biết tìm đến Bảo hiểm thất nghiệp để nhận hỗ trợ. Theo báo cáo, quỹ này vẫn đang hoạt động khá hiệu quả.
Tình trạng số lượng người đăng ký xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp ngày càng gia tăng có dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ hay không, thưa Thứ trưởng?
Rất khó xảy ra nguy cơ vỡ quỹ đối với Bảo hiểm Thất nghiệp, bởi đặc điểm đây là loại hình bảo hiểm ngắn hạn được điều chỉnh ngay sau 1 - 2 năm hoạt động. Trong trường hợp nguồn thu lớn và chi nhỏ thì cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh thu ít, giảm số tiền phải đóng. Ngược lại, nguồn chi có nguy cơ lớn hơn hoặc bằng thu, thì lập tức họ sẽ điều chỉnh năm sau tỷ lệ thu cao hơn. Thực tế, hiện Bảo hiểm Thất nghiệp đang kết dư. Khác với Bảo hiểm hưu trí, là câu chuyện của 15- 20 - 30 năm, với nhiều yếu tố khó lường, nên có thể gặp nguy cơ vỡ quỹ.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thanh Trầm (thực hiện)